Nụ hôn buốt giá

Con chồn dù có giấu mãi đuôi thì cũng có ngày lộ ra. Vĩnh Hưng không phải là một anh chàng tốt. Anh ta cứ ngỡ đến với cô con gái út dòng họ Nguyễn, mình sẽ hưởng được những món hời. Không ngờ, hành vi từ bỏ gia đình của Huyền Châu lại lôi kéo thêm nhiều thứ ảnh hưởng khác. Mà cái thứ Vĩnh Hưng không muốn bị ảnh hưởng nhất là túi tiền. Không cất vào thì cũng đừng rút ra. Vì thế, chỉ vài tháng phải lo toan chi phí cho cả mình và Huyền Châu, anh ta đã nổi cáu. Những lời nặng nhẹ tuôn ra, dẫn đến sự đổ vỡ cố tình. Vĩnh Hưng khăn gói ra đi, bỏ lại Huyền Châu với căn phòng đầy ắp tranh không bán được và một tâm hồn tan nát.
Ông Nguyên kể:
“Sau khi Vĩnh Hưng đi, nó ở lì trong nhà, không giao du với ai nữa. Thỉnh thoảng, qua lời hàng xóm của nó kể, tôi biết nó hay lên mộ mẹ, ngồi một mình. Nó bán dần vật dụng trong nhà, mua sơn để vẽ thêm vô số tranh. Và cuối cùng, ngay hôm giỗ đầu của mẹ, nó gửi cho tôi một bức thư. Cô hãy đọc đi”.
Cầm lấy tờ giấy ố vàng trên tay ông Nguyên, tôi lẩm nhẩm đọc.
“Bố kính yêu,
Con biết mình không đáng để được gọi bố bằng chữ ấy, nhưng xin bố hãy cứ để cho con gọi một lần cuối cùng, vì sau khi bố đọc thư này, con không còn có dịp nhìn thấy bố nữa.
Con đã mù quáng, sai lầm nhiều quá, đến nỗi giờ đây con không dám xin bố và hai chị tha thứ cho con. Con cũng không có can đảm quỳ trước bàn thờ của mẹ để xin lỗi. Con không đáng được tha lỗi. Vì thế con đã chọn cách ra đi. Con chỉ xin bố và hai chị hiểu rằng, trong lòng con, bố mẹ và hai chị vẫn là máu thịt, là những gì con yêu thương nhất.
Con để lại một số tranh trong nhà. Bây giờ nó không bán được, nhưng có lẽ sau này, khi con không còn nữa, mọi người sẽ tha thứ và lại mua tranh của con chăng? Bố và hai chị cứ xem đó là món quà hối lỗi mà con để lại.
Trước khi ra đi, con đã tự vẽ mình trên tường. Có đôi chỗ, con đã pha sơn với máu của chính mình. Những giọt máu trong sạch còn sót lại của Huyền Châu, con gái út thương yêu của bố mẹ, đứa em út nông nổi nhưng luôn được cưng chiều của hai chị. Bức tranh ấy là con của ngày cũ, không phải con bây giờ. Vì thế, bố đừng xóa nó đi, bố nhé. Biết đâu có một lúc nào đó, con lại trở về trong bức tranh để thăm bố và hai chị thì sao?
Dù con không đáng được tha thứ nhưng con vẫn xin bố tha thứ cho con.
Hai chị hãy tha thứ cho em. Hãy thắp cho mẹ một nén nhang hối lỗi giúp em.
Từ biệt.
Huyền Châu”.
Trong khi tôi đọc thư, ông Nguyên thẫn thờ ngồi nhìn qua khung cửa. Ngoài kia nắng đã úa vàng và có chút gió nhẹ thổi vào. Đón lấy lá thư trên tay tôi, ông Nguyên thở dài:
“Đuổi nó đi, không cho nó chịu tang mẹ, lòng tôi cũng đau như cắt. Nó là đứa con tôi yêu thương nhất. Vì nó ốm đau quặt quẹo từ nhỏ nên cả nhà ai cũng nuông chiều. Có lẽ vì thế mà nó mới có tính khí bướng bỉnh, thích gì làm nấy, không ai cản được. Ngẫm nghĩ lại thì lỗi cũng do mình nhiều phần, đã không răn con từ bé. Nhưng cứ nhớ lại hành động đăng báo từ bỏ gia đình của nó, tôi lại giận sôi lên. Hai chị nó cũng quyết liệt không nhìn nhận nó nữa. Vì thế, dù đau khổ, chúng tôi vẫn giữ kín trong lòng. Lá thư của nó đã đánh thức phần tình cảm máu thịt của cả ba bố con. Thế là chúng tôi tức tốc đến nhà nó, chỉ sợ nó đã làm điều gì dại dột.
Nhưng nó đã đi khỏi rồi. Căn nhà đầy ắp tranh và trên tường, nó đang nhìn chúng tôi với ánh mắt tinh nghịch, đáng yêu thuở còn thơ dại.
Tôi đã cho người tìm kiếm, kể cả đăng báo, thông tin trên truyền hình nhưng nó vẫn bặt vô âm tín. Rồi có một hôm, bà hàng xóm của nó cho tôi hay, nửa đêm bà nghe như có tiếng động trong nhà nó. Tôi nghĩ có thể nó trở về vì nhớ nhà nhưng lại bỏ ra đi vì bản thân nó vẫn chưa tha thứ mình. Thế là tôi dọn đến ở căn phòng ấy. Tôi chờ con tôi. Tôi chờ một hôm nào đó nó trở về và bố con sẽ gặp lại nhau.
Đúng hôm mãn tang vợ tôi, nó trở về thật. Nó về trong giấc mơ của tôi. Hay đúng hơn, tôi nằm mơ thấy nó. Tôi thấy nó ướt sũng, lạnh run và đang khóc. Lúc sau, tôi lại thấy nó cười, tung tăng nhảy múa và dạo chơi thơ thẩn trong vườn. Lần nào cũng vậy, khi tôi chạy đến gần nó thì lại giật mình vì một tiếng động nào đó và tỉnh giấc.
Mọi người nói tôi bị ám ảnh nên tưởng tượng ra đủ điều về Huyền Châu. Các chị nó lại nghĩ em gái chết rồi và linh hồn nó còn buồn bã, hối hận vì tội lỗi nên không siêu thoát được. Chúng nó đòi mời thầy đến cúng nhưng tôi không đồng ý. Tôi không tin Huyền Châu đã chết. Nó là đứa mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Nó không thể chết được. Nhưng hai chị nó, một hôm qua thăm tôi và ngủ lại, cũng mơ thấy Huyền Châu. Thế là dù tôi không đồng ý, chúng cũng mời thầy về cúng.
Thầy cúng là một nhà ngoại cảm. Ông đứng trước bức tranh của Huyền Châu cả giờ đồng hồ rồi tuyên bố rằng con bé chưa chết. Nhưng vì bức tranh được vẽ bằng sơn pha máu của chính nó nên có một điều kỳ lạ, không lý giải được đã xảy ra. Ông tin rằng Huyền Châu, ở một nơi nào đó, trong giấc ngủ, đã được tâm linh thôi thúc về thăm lại ngôi nhà của mình. Vì thế, ông khuyên tôi lấy giấy dán kín bức tường, không cho bức tranh lộ ra nữa. Để trong giấc mơ, khi Huyền Châu không tìm được nơi trú ẩn, linh hồn của nó sẽ giục giã nó trở về bằng xương, bằng thịt.
Mười năm trôi qua rồi. Các chị nó hoàn toàn tin rằng em mình đã chết. Chúng nó lấy ngày giỗ mẹ, cũng là ngày nhận được thư từ biệt của Huyền Châu để làm ngày giỗ cho con bé. Riêng tôi, tôi vẫn hy vọng Huyền Châu còn sống. Mười năm qua, tôi đi khắp mọi nơi, la cà hết phòng tranh này đến phòng tranh khác, ước được nhìn thấy chữ ký của đứa con tội nghiệp. Hai chị nó thấy tôi bị giày vò khốn khổ quá nên không bằng lòng. Chúng rao bán căn nhà và khi sự đã rồi mới thông báo cho tôi biết. Tôi chỉ còn cách dặn người chủ mới đừng xé đi lớp giấy dán, cứ để nguyên như thế. Biết đâu có ngày, con gái tôi lại trở về.
Tôi thật không ngờ, trời đất run rủi làm sao để người chủ mới là cô, lại cũng là một họa sỹ. Và cô đã lột lớp giấy ra, lại còn làm cho mới bức chân dung của nó.
Cô có nằm mơ thấy nó không? Có không vậy? Dù có hay không, xin cô tin tôi, tin một người cha khốn khổ, cô hãy dán kín lại bức tường ấy để con gái tôi không lang thang trong mơ nữa và trở lại nhà…”.
Cuộc trò chuyện với ông Nguyên đã làm tôi kiệt lực. Quay trở lại nhà, tôi thắp tất cả các ngọn đèn trong phòng và ngồi lặng im trước chân dung Huyền Mi, hay đúng hơn là Huyền Châu. Trong tranh, ánh mắt tinh quái của Huyền Châu dường như dịu dàng hẳn. Nó phảng phất một lời trần tình, một điều gì đó thật khó hiểu. Nhìn ánh mắt ấy, tôi bật nói ra những suy nghĩ của mình:
“Chị đang ở đâu vậy, Huyền Châu? Chị còn sống hay đã chết? Chị xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người để làm gì? Chị còn điều gì u uẩn không nói được? Cha chị đã đi tìm chị bấy lâu nay, chị có biết không? Hãy quay về, nếu thật sự chị còn sống và vướng mắc bởi tội lỗi của mình. Hoặc, nếu chị chết rồi, hãy bình yên ra đi. Hai chị của chị cũng thương nhớ và tha thứ chị rồi. Nếu chị linh thiêng, chị phải biết được điều đó. Hãy để người sống được nguôi ngoai, đừng làm họ đau khổ nữa”.
Đêm hôm ấy, tôi tin chắc mình sẽ gặp được Huyền Châu trong giấc mơ, nhưng không, cô không xuất hiện. Hay bởi vì tôi mong ngóng cô quá nên giấc ngủ sật sừ, chẳng được sâu, vì thế cô không thể bước vào. Dù vì điều gì, sáng hôm sau, tôi quyết định đi mua giấy hoa để dán kín lại bức tường. Ánh mắt khắc khoải của ông Nguyên và câu chuyện bi thảm của tình cha con khiến tôi không đành lòng để bức tranh Huyền Châu phơi ra trước mắt mọi người.
Minh kêu lên khi tôi nhờ anh phụ một tay để dán giấy:
“Em sao thế? Bức tranh tuyệt đẹp mà lại che kín đi là thế nào?”
“Vì em muốn vẽ một bức khác, thế thôi”.
Minh ca cẩm:
“Ôi, chưa chắc bức khác đã đẹp bằng bức này. Cứ để đó. Vẽ ở các bức tường còn lại kia kìa”.
Tôi lớn tiếng:
“Đừng tiếc. Em đang nghĩ ra một thứ còn hay ho hơn”.
“Thứ gì chứ?”
“Anh. Có thể em sẽ vẽ anh”.
“Thật à? Vậy thì dán”.
Minh hí hửng nói cười. Tôi cũng cười, bụng nghĩ thầm đàn ông kể ra cũng nhẹ dạ cả tin không kém đàn bà. Tôi lôi xấp giấy lại và khi bôi lớp hồ dán đầu tiên lên tường, lòng tôi chợt nhói đau.
Tôi không quên nụ hôn lạnh buốt của Huyền Châu. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi nghĩ rằng cô đã chết.
Bức chân dung Huyền Châu mà tôi vẽ trong cơn mộng mị, tôi cũng gói kỹ và cất vào một chỗ. Hãy ngủ yên nhé, Huyền Châu. Tất cả đã qua rồi.
Nhiều tháng sau, một buổi tối, khi tôi đang ngồi trước giá vẽ, say mê với từng nét cọ, có tiếng chuông cửa reo vang. Có lẽ Minh đem thức ăn đến và rủ tôi đi uống cà phê. Tôi vui vẻ đứng dậy, ra mở cửa với đôi bàn tay lấm lem sơn dầu. Đưa tay lên cao, tôi định quệt vào mặt Minh rồi bỏ chạy thì khựng lại, chết sững.
Đứng trước cửa là Huyền Châu với đôi môi đỏ thắm của ngày nào. Mặc dù trông cô có vẻ già hơn bức tranh trên tường nhưng đó đúng là Huyền Châu.
Tóc gáy tôi dựng ngược và tôi chớp mắt lia lịa, sợ mình trông gà hóa quốc. Thế nhưng Huyền Châu đã mỉm cười, cất tiếng, giọng trong như chuông:
“Xin lỗi, cho tôi vào hỏi thăm một chút, được không ạ?”
Hương thơm và hơi ấm khi Huyền Châu lướt qua người tôi để vào nhà, khẳng định rằng đó là một Huyền Châu bằng xương, bằng thịt….