Nụ hôn buốt giá

Những ngày sau đó, một cuộc đối đầu mạnh mẽ đã xảy ra giữa tôi và người chủ cũ. Tỉnh dậy trên chiếc ghế salon, ông ta đùng đùng nổi giận:
“Tôi đã dặn là không được xé lớp giấy dán cũ, chỉ dán đè lên. Sao cô lại trái lời tôi?”
Tôi ngạc nhiên và cảm thấy bực dọc. Ông ta là chủ nhà chứ có phải bề trên của tôi đâu mà nói giọng trịch thượng như thế chứ. Vì vậy, tôi trả lời:
“Xin lỗi ông. Tôi đã trả tiền đầy đủ để mua căn hộ này. Tôi đã là chủ và tôi muốn làm gì thì làm, ông không có quyền ngăn cấm”.
“Tôi không bán cho cô căn hộ này nữa. Tôi trả lại tiền và lấy lại căn hộ”.
“Ông nói như đùa vậy? Căn hộ này giờ là của tôi. Giấy tờ đứng tên tôi và tôi không có ý định bán lại cho ông”.
“Cô cứ chờ đó. Tôi sẽ lấy lại căn hộ này”.
Nói xong, ông ta giận dữ bước ra. Thiên Thanh và tôi đứng nhìn nhau một lúc rồi tôi tiến đến giá vẽ, lôi tấm vải ra, để lộ gương mặt Huyền Mi với ánh mắt như có lửa.
“Chị mới vẽ sáng nay đó. Em lý giải thế nào đây?”
Thiên Thanh đứng bật dậy, há hốc miệng, sững sờ nhìn. Rồi giống như lần trước, cô lùi dần, lùi dần đến khi lưng đụng một bức tường khác:
“Chị Nhã. Vậy là sao? Em không hiểu?”
Tôi hét lên:
“Chị cũng không hiểu. Chị định vẽ chị nhưng vẽ xong rồi thì thấy thế này đây”.
Thiên Thanh hoảng sợ:
“Chị bị cô ta ám rồi. Khi nhìn thấy bức tranh trên tường, em đã nổi da gà. Trông cô ấy như một người thật nhưng lại có khí sắc của người không có thật, như ma ấy. Nếu không, sao chị bị ám ảnh mà vẽ giống hệt cô ấy chứ? Rồi em cũng nằm mơ thấy cô ấy nữa. Em không thể quên được nụ hôn của cô ấy. Nó cứ thôi thúc em đi tìm chị, đi theo chị về căn hộ này, mặc dù em rất sợ…”.
Không trả lời Thiên Thanh, tôi đứng im nhìn bức tranh mình vừa vẽ lúc sáng. Thật kỳ lạ. Trong đôi mắt có ánh lửa ấy, hình như có cả một giọt nước mắt vừa ứa ra nữa. Tôi khẽ chớp mắt rồi loạng choạng đi về phía salon, ngồi xuống. Thiên Thanh vội chạy tới, nắm tay tôi:
“Chị sao vậy? Chị mệt à?”
“Không. Chị chỉ muốn nghỉ một chút”.
Tiễn Thiên Thanh ra về, trở vào phòng, tôi tiến đến mở cánh cửa sổ hình bán nguyệt. Nắng từ phía công viên xa xa có màu như mật ong và gió mơn man gương mặt tôi thơm mùi cỏ dại. Tôi đứng nhìn lên bầu trời xanh biếc và tự nhủ: sao lại để mình bị cuốn vào những vụ việc phi lý như thế này? Phải thoát ra chứ Nhã. Mày vốn là một người mạnh mẽ kia mà.
Lùi xa khỏi cửa sổ, tôi đứng đối diện bức tranh trên tường và nói to:
“Cô là ai thế? Dù cô có là ma, tôi cũng không sợ đâu. Tôi thích vẻ đẹp của cô và người nào đó vẽ cô quá sống động khiến tôi kính phục. Tôi giữ cô lại. Không, đúng ra phải nói là tôi giữ bức tranh lại chỉ vì yêu cái đẹp. Có thế thôi”.
Nói xong, tôi nhíu mày, bật cười. Mình giống như con rồ, đi nói chuyện với bức tranh trên tường. Khỉ thế? Để xua đuổi mọi cảm giác vớ vẩn còn tồn tại trong người, tôi bật nhạc lên và hát ầm ĩ. Có thể vì thế mà tôi không nghe tiếng chuông cửa kính coong. Cho đến khi có tiếng đập tay thình thình vào cửa và tiếng gọi ơi ới: “Cô Nhã, cô Nhã”, tôi mới giật mình tắt nhạc và chạy ra.
Người môi giới nhà nở nụ cười tươi tỉnh khi nhìn thấy tôi:
“Ông chủ nhà ấy mà… ông ấy nhờ mời cô đến gặp. Ông ấy có vẻ khẩn thiết lắm”.
Tôi nhún vai, suy nghĩ: có gì khẩn thiết nữa nhỉ? Nhưng ông ta muốn gặp thì mình sẽ gặp. Muốn lấy lại căn nhà thì đừng hòng, vì mình có đủ giấy tờ hợp lệ rồi. Cứ xem ông ta muốn nói gì đã. Nhân tiện, mình sẽ hỏi kỹ về bức tranh trên tường và lý do tại sao ông ta lại bịt kín nó đi.
Trời mưa dầm khi tôi rời nhà ông Nguyên, trở lại nhà mình. Trái với tâm trạng cứng cỏi, sẵn sàng xù lông như một con nhím khi ra đi, tôi trở về nhà với một cảm giác nặng trĩu. Trên giường bệnh, ông Nguyên tiếp tôi với một thái độ khác hẳn hôm ông đến nhà tôi. Thoắt trông thấy ông, tôi giật mình. Chỉ mới vài hôm mà ông già và hốc hác hẳn đi. Quầng đen dưới mắt lan rộng chứng tỏ ông mất ngủ hoàn toàn. Ông mời tôi ngồi, xin lỗi vì phải nằm trên giường để tiếp tôi. Ông bảo:
“Hôm trước, tôi cư xử không đúng với cô. Tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi phải nói rõ lý do cho cô hiểu trước đã…”
Tôi im lặng quan sát ông. Trong khi nói, đôi lông mày ông nhíu lại, hằn rõ những nếp nhăn khắc khổ. Đôi mắt ông nhìn xuống như muốn che giấu một điều gì đó và đôi môi run run như thể phải cố gắng lắm mới nói nên lời.
“Đó là một câu chuyện dài. Một nỗi đau, cô Nhã ạ”.
Trong căn phòng yên tĩnh, giọng nói của ông đều đều, mệt mỏi:
“Tên nó là Huyền Châu. Nó là con gái út của tôi.
Tôi có ba đứa con gái thì Huyền Châu là đứa xinh đẹp, thông minh nhất. Nhưng nó cũng là đứa bướng bỉnh, cá tính nhất. Trong khi hai đứa chị răm rắp nghe lời bố mẹ, nó lại chỉ làm theo ý nó mà thôi. Chẳng hạn, tôi muốn cả ba đứa con gái theo nghề của cha, tức là làm bác sĩ thì hai đứa chị đồng ý ngay. Còn nó, nó phản đối. Nó bảo: cái nghề gần gũi với bệnh tật, thuốc men ấy, nó không thích, bố mẹ và hai chị làm là đủ cống hiến, giúp đời rồi. Nó chỉ thích vẽ, thích âm nhạc, thích thơ ca. Nó còn bảo cám ơn bố mẹ đã sinh ra con, nhưng cuộc đời con thì con muốn tự quyết định, miễn là những quyết định của con không làm cho bố mẹ mất mặt là được rồi. Với đứa con gái bướng bỉnh như nó, chúng tôi phải chiều theo thôi chứ biết làm sao?
Nó học vẽ và vẽ rất đẹp. Căn phòng riêng ở nhà không đủ để nó làm xưởng vẽ và trưng bày tranh. Nó lại còn có nhu cầu tiếp đãi bạn bè trong giới nữa, vì thế, nó xin tôi cho phép nó dọn ra ở trong căn hộ rộng nhất tòa nhà mà tôi vừa xây xong. Chính là căn hộ cô ở bây giờ đấy.
Vâng, đúng. Nó đã làm xưởng vẽ và sống ở đấy, không về nhà nữa. Thỉnh thoảng, khi tôi và mẹ nó kêu gào quá thì nó mới đảo qua nhà nhưng chỉ trong chốc lát rồi lại ra đi.
Tôi không biết cuộc sống của những họa sỹ khác như thế nào, nhưng cuộc sống của con tôi là một cuộc sống đầy mộng mị. Có hôm tôi đến nhà nó, bắt gặp cả đám họa sỹ trẻ đang ngồi như nhập đồng trước một bức họa. Hôm khác, chúng lại cãi nhau như mổ bò. Căn phòng thì tràn ngập mùi thuốc lá, mùi rượu, mùi hơi người, mùi sơn dầu và hàng chục thứ mùi khiến tôi không chịu nổi. Tôi lo cho sức khỏe của nó thì nó cười: “Con chẳng sao cả, bố yên tâm”. Mà quả thật, nó chẳng sao hết, ngoài những cách sinh hoạt hơi khác thường thì nó vẫn sởn sơ, vui vẻ, dù đôi khi hơi có vẻ như người mộng du.
Thường thì nó vẽ tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, có lúc nó còn vẽ tranh trừu tượng. Tôi chưa bao giờ thấy nó vẽ người cả. Thế rồi bỗng dưng nó thay đổi hẳn. Nó xoay qua vẽ người. Đó là lúc nó gặp Vĩnh Hưng, một họa sỹ theo phong cách tả thực.
Trước đó, tôi cứ ngỡ nó thích Khải, một họa sỹ cũng vẽ tranh trừu tượng như nó. Tôi từng thấy Huyền Châu đi sóng đôi bên Khải rất vui vẻ, đôi khi chúng còn có những cử chỉ thân mật với nhau. Khải là một thanh niên tử tế, tác phong lịch sự và khá xứng đôi với Huyền Châu. Tôi cứ nghĩ chúng yêu nhau, nhưng không phải.
Khi Hưng xuất hiện, Huyền Châu thay đổi ngay cách cư xử với Khải. Không những thế, nó còn chấm dứt những cảnh đàn đúm, tụ tập trong căn nhà của mình một cách nhanh chóng. Giờ đây, chỉ còn Vĩnh Hưng trong mắt nó.
Sự thay đổi của Huyền Châu, một phần nào đó khiến vợ chồng tôi rất mừng. Căn nhà của nó không còn những mùi khó chịu nữa, khi chúng tôi tạt qua, nó đã trở về đúng hiện trạng của một căn phòng có chủ nhân là nữ. Dù vẫn nồng mùi sơn dầu từ những bức tranh nhưng căn nhà đã gọn ghẽ, sạch sẽ hơn nhiều.
Huyền Châu bỏ không vẽ theo phong cách từ xưa đến nay của mình nữa. Nó chuyển qua vẽ người, vẽ tả thực như Vĩnh Hưng. Có lẽ đây mới là tài năng thực sự của nó. Bất cứ thứ gì nó vẽ ra đều có sức sống mãnh liệt, từ một chiếc lá, một cành hoa, tất thảy đều như chuyển động, như run lên dưới mỗi nét cọ. Bức tranh trên tường là do chính nó tự vẽ mình đấy. Nhưng đó là chuyện về sau. Bây giờ, hãy cứ theo mạch chuyện đã. Do nó vẽ đẹp như thế, tranh nó bán rất chạy. Tên tuổi nó rực rỡ sáng và nó hãnh diện vô cùng.
Thế nhưng, bên cạnh sự thay đổi có chiều hướng tốt đó, còn có cả những thay đổi xấu. Trước kia, dù đàn đúm, tụ tập nhưng không ai trong giới họa sỹ, kể cả Khải, được ở lại ngủ đêm trong nhà Huyền Châu. Giờ đây, không những Vĩnh Hưng được ở lại trong nhà mà còn ở lại thường xuyên. Bởi vì trong mắt Huyền Châu, Vĩnh Hưng là người đã giúp nó tìm ra tài năng thực sự của mình. Nó yêu, kính phục và mê mệt anh ta.
Tôi và mẹ nó buồn lắm, giận nữa. Đằng nào chúng tôi cũng là người có vai vế trong xã hội, mỗi chút cử động là người ta nhìn ra ngó vào rồi. Vậy mà giờ đây, nó đem Vĩnh Hưng về nhà, sống như vợ chồng, không cưới hỏi gì cả, hỏi sao chúng tôi không điên lên?
Đối với sự trách phiền của chúng tôi, Huyền Châu vẫn thản nhiên. Không hiểu nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì của Vĩnh Hưng mà dám trả lời chúng tôi tay đôi. Nó bảo chúng tôi cổ hủ. Thời buổi thế kỷ hai mốt mà còn câu nệ chuyện cưới hỏi. Nó còn bảo nếu chúng tôi không hài lòng cách sống của nó thì cứ đăng báo từ nó đi. Vợ tôi uất quá, ngã bệnh. Hai chị nó xót mẹ, tới mắng nó và Vĩnh Hưng một chặp, thế là nó tự đăng báo, tuyên bố không còn là con gái dòng họ Nguyễn nữa…”.
Nói đến đây, ông Nguyên thở dốc, gương mặt xanh nhợt. Tôi vội lấy ly nước ở chiếc bàn kê đầu giường đưa cho ông:
“Thôi ông nghỉ đi. Hôm nào ông khỏe, tôi sẽ đến xin nghe chuyện tiếp”.
“Xin cô cứ nán lại. Tôi phải kể cho xong chuyện này, phải giải quyết bức tranh trên tường cho xong thì mới yên lòng”.
Trên gương mặt ông Nguyên, một nỗi thống khổ hiện lên khiến tôi se lòng.
Qua lời kể của ông Nguyên, tôi hình dung ra một Huyền Châu xinh đẹp, mạnh mẽ và bướng bỉnh. Sau khi đăng báo từ bỏ gia đình, Huyền Châu nói với bố mẹ sẽ trả tiền nhà hàng tháng cho đến lúc cô tìm được một nơi ở mới. Uất ức, tuyệt vọng vì hành vi của cô con gái út, bà Nguyên bệnh nặng hơn rồi qua đời. Khi Huyền Châu về xin được chịu tang, lần này chính ông Nguyên và hai người chị đã đuổi thẳng cô ra khỏi cửa.
Ngày tháng dần trôi đi. Huyền Châu không trả tiền nhà hàng tháng như lời hứa được vì cô không kiếm ra tiền nữa. Cái án người mẹ vì cô mà chết đè nặng trên đầu, trên tên tuổi của cô. Không ai thích mua tranh của một người đã giết mẹ mình, dù là giết gián tiếp. Mọi người đều quay lưng lại với Huyền Châu. Tất cả mọi chi phí trong nhà, giờ chỉ trông cậy vào thu nhập của Vĩnh Hưng.