Chuyện Tình Mùa Lũ – Siêu Phẩm ( Update Chap 45C Hết )

Chương 43: Về quê

Bỏ lại Hà Nội sau lưng, Nghĩa về quê. Lần này là về quê một cách thực sự chứ không phải về chơi. Hành trang mang về chính là hoài bão xây dựng quê hương, chính là thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ của mình là được trồng thật nhiều loại cây trên vùng đất bãi bên sườn con sông Hồng thơ mộng mà cậu gắn bó cả tuổi thơ.

Nghĩa về trước chị Nhài vì chị phải làm ở shop chắc đến 30 Tết mới về được. Thủy Tiên vẫn không về nên shop Trọng Thủy một tay chị Nhài quán xuyến. Tất nhiên, nó không phát triển rực rỡ giống như hồi Thủy Tiên còn quản lý, nhưng vẫn có lãi đều vì lợi thế vị trí là độc tôn của chợ Đồng Xuân. Chị Nhài mặc dù có cố gắng hết sức, nhưng nói gì thì nói, cái chuyện kinh doanh buôn bán ở chợ Đồng Xuân không phải cứ cố gắng mà được, nó là bản năng, là huyết thống, là sự nhạy cảm mà không phải học sẽ thành. Chị Nhài bản chất vẫn là một thôn nữ từ nông thôn bước ra thành phố, mộc mạc, chân chất và hiền lành. Cũng may, cô Cẩm Tú ở trên tầng 2 xuống bảo ban thường xuyên, gặp chuyện gì khó, khúc mắc cũng đều một tay cô giải quyết êm xuôi.

Trở lại với Nghĩa, về quê bằng chiếc xe máy Wave Tầu mà cậu mua cách đây mấy năm, trên xe chằng buộc đủ thứ nhưng nhiều nhất vẫn là một hòm sách về kinh tế và nông nghiệp mà cậu đã tích góp mấy năm trời, kiến thức giờ tất nhiên nằm trong đầu cả, nhưng sách thì vẫn là thứ mà Nghĩa quý, không muốn bỏ đi tẹo nào. Ngoài ra còn một cái balo bộ đội của chú Lãm cho ngày cậu lên đường về thành phố cách đây 4 năm.

Đường đê mới được làm lại, tốt hơn ngày xưa rất nhiều nhưng cũng không phải là đẹp lắm, đường nhựa mới trải chưa được bao lâu nhưng những ổ gà, ổ voi đã xuất hiện. Tuy nhiên, với một người xa quê như Nghĩa, con đường đê luôn luôn đẹp và thơ mộng. Nó uốn lượn theo dòng chảy của con sông Hồng phía xa, một bên bờ đê phía sông là rặng tre chống lụt, một bên là triền để cỏ mọc xanh rì, những chú bò nhởn nhơ gặm cỏ non.

Gần về đến nhà, cảm giác hồi hộp đan sen nhớ nhung làm lòng Nghĩa chộn rộn. Trời chưa tối hẳn nhưng cũng đã là chiều muộn, mùa đông, không có ánh nắng rực rỡ của buổi hoàng hôn, lúc mặt trời lặn phía bên kia sông. Nghĩa dừng xe cách cửa khẩu vào xóm Bãi một đoạn, đúng chỗ bụi tre già, nơi mà hồi còn là học sinh cấp III, cậu và Trang hay “hẹn hò”.

Nghĩa để mắt mình nhìn xa, nhìn dòng sông Hồng. Mặc kệ nắng cũng như mưa, hè cũng như đông, sáng cũng như tối, dòng sông Hồng đỏ rực phù sa vẫn lững lờ trôi chầm chậm, vài con tầu hàng nhả khói trắng mờ ở đầu tầu phả lên trời cao. Ở dưới cuối tầu, khói bếp mầu đen hơn cũng tỏa lên trời, những người sống trên tầu đang chuẩn bị bữa cơm tối chăng?

Nghĩa nhìn về vùng đất bãi nhà mình, không khó để cậu nhận ra mái nhà mình, cậu có thể đọc ra nóc nhà này của nhà ai, nóc nhà này của nhà nào? Bởi mọi thứ bây giờ so với cách đây 4 năm có thay đổi là bao nhiêu đâu. Có chăng giờ hầu như mỗi nóc nhà đều có thêm một cột ăng ten ti vi quay đầu về phía Hà Nội, nơi đặt trạm phát tín hiệu.

Bình yên đến lạ, khói từ những căn bếp nhỏ lợp rơm, lợp lá tỏa ra theo gió bay lên trời cao mà nhìn xa xa như những làn sương mỏng từ dưới đất bay lên. Giờ này, chắc nhiều nhà đang đun bánh trưng, đang nấu cơm tối. Ở quê ăn Tết sớm và hết Tết cũng muộn. Họ thường ăn Tết bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo hăm ba tháng Chạp.

Xen giữa các ngôi nhà vẫn là những mảnh ruộng ngô, ruộng khoai, ruộng dưa chuột, ruộng rau. Mỗi nhà trồng một loại, không nhà nào giống nhà nào. Vẫn là cách canh tác manh mún, mạnh ai người nấy làm như hồi xưa.

Không biết Nghĩa có làm được không? Là sẽ biến cánh đồng bãi quê mình thành một vùng sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chưa nghĩ đến việc xa xôi là làm cho những người nông dân quê mình thành giầu có, thành những ông chủ bà chủ mà chỉ đơn giản là để cho cuộc sống bớt đi khổ cực, thay những căn nhà tạm lợp mái pro mỗi khi mưa to gió lớn là giột lỗ chỗ kia bằng căn nhà mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Để cho những đứa trẻ trong xóm bãi không đứa nào phải bỏ học giữa chừng vì lý do tiền bạc. Ôi, biết bao dự định phía trước, biết bao công việc, khó khăn, chông gai còn đợi Nghĩa trước mắt, không biết Nghĩa có thực hiện được không?

——–

Khi Nghĩa đỗ xe máy ở sân nhà, cảnh tượng trước mắt làm cậu thấy ấm lòng, thực sự ấm lòng. Mẹ đang ngồi lau từng chiếc lá dong. Chú Lãm đang gói bánh chưng. Ở giữa là một cái nia, là nơi thao tác gói bánh, trong nia có lá dong mà cô Tươi lau xong thì để vào, một túm lạt tre để buộc bánh. Ở bên cạnh là một thúng gạo nếp trắng phau đã được ngâm trong nước vài giờ cho nó hơi nở nở ra một chút, một xoong đậu vàng ươm, một nồi thịt ba chỉ ướp hạt tiêu. Chưa hết đâu, một cái nồi gang rất to ở bên cạnh, đáy nồi lót cọng lá dong để khi đun bánh chưng không bị dính xuống đáy nồi. Bên trong nồi đã có vài chiếc bánh xanh mượt, vuông vức rồi.

– Mẹ! Chú Lãm! Con về rồi ạ.

Cô Tươi ngừng tay lau lá đứng dậy chạy ra chỗ xe máy của con, cô sợ xe đổ vì Nghĩa chở nhiều đồ quá, những thứ đồ sách vở quần áo chằng ở phía sau như tôi đã kể vừa nãy rồi, còn đằng trước còn buộc thêm những túi quà Tết mà chị Nhài đã chuẩn bị cho Nghĩa mang về trước rồi.

– Cha bố nhà anh, sao về muộn thế!

Chú Lãm không đứng dậy, nhưng chú cũng ngừng tay gói bánh mà ngửng mặt lên nhìn Nghĩa, lấy ống tay áo lau giọt mồ hôi lấm thấm trên trán:

– “Nghĩa về rồi à?”, chú cũng định hỏi xem Nhài, con gái chú sao chưa về, nhưng nghĩ thấy ngại nên thôi.

Nhưng mẹ Tươi thì thay chú hỏi việc đó:

– Ơ, sao cái Nhài không về cùng con.

Nghĩa phải dựng cái chân chống giữa xe lên, chứ dựng chân chống phụ chắc đổ xe mất:

– Chị phải 30 mới về vì còn bận bán hàng mẹ ạ. Mẹ và chú đang gói bánh chưng ạ? Cho con làm với. Lâu rồi con không gói bánh chưng.

– “Cũng định đợi anh về rồi gói, nhưng chờ mãi không được đành phải gói trước đấy, gói để còn kịp đun đến sáng mai vớt là vừa”, cô Tươi vừa nói vừa phụ con trai chất đồ xuống xe.

Khi mọi thứ đã được cất vào bên trong, Nghĩa mang ra sân hai cái túi bìa cứng trang trí rất đẹp, cậu ngồi xuống cái ghế con bên cạnh nia gói bánh, rồi đưa cho mẹ một túi:

– Mẹ, đây là bộ quần áo dài chị Nhài mua cho mẹ. Để mẹ mặc Tết.

Cô Tươi thẹn thùng đón lấy cái túi mà Nghĩa đưa cho, hầu như đa số các ông bố bà mẹ trên đời này khi nhận quà của con thì đều nói một câu hay sao ấy, vừa thò tay vào trong túi lôi bộ quần áo dài mầu trắng tinh ra, cô Tươi vừa nói:

– Mẹ có đi đâu đâu mà mua áo dài làm gì. Lại tốn kém ra, hai đứa làm được bao nhiêu tiền đâu mà mua với bán.

Nói thì nói ra miệng vậy thôi, nhưng cô Tươi đã sụt xịt rồi đấy, có người mẹ người cha nào khi nhận quà Tết của các con mà không xúc động cơ chứ. Vật chất không phải là vấn đề mà cô cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác để ý nhiều, cái làm cho họ xúc động chính là sự quan tâm của con cái dành cho mình, nhất là những ngày Tết đến Xuân về.

Cô ấp cái áo vào ngực giống như ấp chính đứa con gái của mình vậy, rồi cô quay đi để tránh không cho 2 người đàn ông nhìn thấy đôi mắt mình đỏ hoe, một lúc sau cô với nói vọng lại:

– Để mẹ mặc đi họp hội phụ nữ cũng được.

Người quê, ít được trưng diện lắm, người quê ít có dịp được ăn mặc đẹp lắm. Trong tiềm thức của họ, việc mặc đẹp ra đường cũng ngại, vì sợ mọi người đánh giá là thế này thế nọ. Hây zà!

Vẫn còn một túi quà trên tay, Nghĩa nhìn chú Lãm một hồi, thấy chú không ngẩng mặt lên mà cúi đầu xuống cái nia, tay thoăn thoắt gói gói buộc buộc. Chú chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có quà, nhất là từ Nhài.

– Chú Lãm!

Hơi dừng động tác một chút vì nghe thấy Nghĩa gọi tên mình, rồi chú lại tiếp tục công việc gói bánh. Nghĩa phải gọi lần thứ 2, lần này gọi to hơn một chút để khẳng định cho chú biết là cậu chủ định nói với chú:

– Chú Lãm!

Chú không gói bánh nữa, ngồi thẳng lưng dậy nhìn Nghĩa, chú không dám nhìn vào túi quà trên tay Nghĩa, bởi biết nó sẽ chẳng là của mình.

Nghĩa đưa túi quà về phía chú:

– Còn đây là của chị Nhài mua, nhờ cháu mang về biếu chú.

Chú Lãm còn chửa tin những lời mình vừa nghe thấy là sự thật, hồi chú còn bé tí, một vài tuổi gì đó cũng được mẹ mua cho một cái mũ cói, đó là món quà duy nhất mà chú nhận được tính cho đến nay đã hơn bốn chục năm, rồi sau đó vài năm thì mẹ chú cũng mất luôn.

Chú không nói một lời nào, tay run run giơ ra đón lấy túi quà, mắt nhìn về phía Tươi xem phản ứng, thấy Tươi mỉm cười gật gật, chú lại nhìn vào cái túi quà. Chú đưa nó vào trong lòng mình rồi nhìn vào bên trong, một bộ quần áo bộ đội mới tinh, vẫn còn nguyên tem mác.

Chú không dám nói nhưng trong lòng cứ lặp đi lặp lại câu nói của chính mình: “Là quà của con gái, là quà của con gái, là quà của con gái ………….”

Rồi hai đầu gối chú run rẩy lẩy bẩy khi chú đứng dậy.

Hai mẹ con Nghĩa nhìn theo chú.

Chú lững thững đi từng bước, từng bước một ra phía đằng sau nhà, hai tay ôm dịt lấy cái túi quà mà con gái chú gửi cho.

Hình như chú khóc!

——–

Bữa cơm sáng mùng 1 Tết, cả nhà quây quần bên mâm cơm, chị Nhài mới về tối hôm qua, trước giao thừa có vài tiếng đồng hồ, cô Tươi đứng trước ban thờ chồng khấn vái mời chồng về ăn cơm rồi đi ra mâm cơm, nơi con trai, con gái cô đang chờ:

– Ăn cơm thôi các con.

Trên mâm cơm có đầy đủ các món ăn hương vị ngày Tết, một đĩa bánh chưng, một bát canh măng xương, một bát thịt đông, một bát củ kiệu muối chua, một đĩa gà ta luộc rắc lá chanh, một đĩa xôi, một đĩa nem rán, một đĩa giò luộc. Là bữa cơm tươm tất nhất sau cả một năm vất vả mưu sinh. Ở quê, quanh năm nhịn ăn nhịn mặc nhưng riêng 3 ngày Tết thì nhà nào nhà ấy cũng cố gắng lo lắng cho tươm tất hơn hẳn ngày thường.

Coi như đó cũng là hạnh phúc rồi.

Đang ăn, Nghĩa dừng bát mở lời trước nói lên dự định quan trọng của mình cho mẹ và chị nghe, gọi là chính thức tuyên bố:

– Mẹ, chị! Con quyết tâm từ nay sẽ ở nhà làm nông nghiệp.

Gọi là tuyên bố chính thức cho nó oai vậy thôi chứ việc này mẹ và chị chả lạ lẫm gì, đã rục rịch từ cả năm nay rồi. Ấy thế nên cô Tươi và chị Nhài không tỏ vẻ gì là nhiên, chị Nhài mỉm cười một chút vì thái độ nghiêm túc của đứa em, còn cô Tươi thì khuôn mặt có chút lo lắng vì cô biết đợi đứa con trai mình ở phía trước không phải là thảm lụa mà là rất nhiều chông gai. Là người làm nông nghiệp, làm mầu ở mảnh đất bãi này tính đến nay cũng trên dưới ba mươi năm, cô không lạ gì cách trồng từng loại cây, không lạ gì mùa nước nổi, không lạ gì tính nết bà con xóm giềng. Ai cũng muốn thay đổi, ai cũng muốn cuộc sống khấm khá hơn nhưng thay đổi như thế nào? Có an toàn không lại là một câu chuyện không hề đơn giản? Đa phần bà con đều là người không có của ăn của để, không có khoản tích lũy nào. Giờ đây chuyển đổi sang mô hình mới, hiệu quả chưa biết ra làm sao, liệu họ có dám cùng với Nghĩa thay đổi hay không? Cô chống đôi đũa xuống cái bát, khuôn mặt muôn phần âu lo nhưng vẫn động viên con:

– Việc con làm mẹ không có hiểu biết nhiều nhưng mẹ và chị ủng hộ. Nhà mình có một mẫu 2 đất bãi, mẹ giao cả cho con. Con muốn trồng cây gì, theo phương pháp nào mẹ cũng đồng ý hết. Nhưng nghe con nói là còn muốn trồng theo phương pháp mới trên ruộng của cả người dân trong xóm nữa. Điều này mẹ không dám chắc đã thuyết phục được người ta. Con biết đấy, không đơn giản để thay đổi thói quen đã tồn tại hàng bao nhiêu đời nay đâu.

(Một thước là 24 m2, mười lăm thước là 1 sào, 360 m2, 10 sào là 1 mẫu, 1 mẫu 2 mà cô Tươi nói tức là 1 mẫu và 2 sào, tương đương 4.320 m2 đất ruộng – Cu Zũng)

Chị Nhài cũng thêm vào gọi là đóng góp ý kiến:

– Chị nghe mẹ nói cũng phải đấy, em phải tính toán cho thật kỹ vào, nếu thành công thì không sao, ai cũng mừng. Nhưng ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì đó không may, người ta lại trách mình.

Cô Tươi nói đỡ vào để tránh cho Nghĩa nhụt chí:

– Mẹ tin con làm vì cái tâm, cái tâm mình sáng thì mình cũng không lo sợ người ta nói ra nói vào. Con cứ mạnh dạn làm đi, có thế nào mẹ cũng chịu được hết. Đừng lo nghĩ nhiều.

Mọi thứ mà mẹ và chị lo lắng Nghĩa đã tìm hiểu và có dự liệu từ trước rồi, phương án đã có, chỉ là có thực hiện được hay không mà thôi. Cậu nói để mẹ yên tâm:

– Chí con đã quyết và con cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để làm thành công rồi mẹ ạ. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thuyết phục người dân xóm mình tin tưởng và làm theo mình thôi. Đầu tiên con không cần nhiều, một hai chục nhà thôi là được, sau đó dồn ghép các mảnh ruộng lại với nhau để tạo thành một vùng trồng cây rộng, có như vậy mới có hiệu quả. Con tin là chỉ một vài năm, khi mà mô hình trồng cây theo phương pháp mới có hiệu quả, tự khắc những người còn lại sẽ tham gia cùng với mình.

Điều khó khăn nhất mà Nghĩa phải đối mặt chính là dồn ruộng lại với nhau để tạo ra một vùng trồng cây liền thổ rộng lớn. Như nhà Nghĩa chẳng hạn, có một mẫu hai ruộng, rộng phết đấy nhưng lại gồm chục mảnh ruộng ở khắp nơi ghép lại với nhau, không liền thổ. Mảnh nào rộng nhất cũng chỉ có gần 2 sào. Đây là thực trạng chung của toàn bộ miền Bắc ở cả đất trồng lúa và trồng mầu. Hồi cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước, phương pháp chia ruộng dựa trên đầu nhân khẩu và chia đều theo từng mảnh đất xấu – tốt, trũng – cao, xa – gần. Tức là nhà nào cũng có một ít ruộng tốt, một ít ruộng xấu, một ít ruộng xa, một ít ruộng gần, một ít ruộng ở chỗ trũng một ít ruộng ở chỗ cao. Đó là cách tính dựa trên sự công bằng, tránh sự tranh chấp, ganh tị giữa các bà con xã viên.

Nhưng điều đó cũng gây ra một hệ lụy, đó là đất ruộng manh mún, nhỏ hẹp, khó khăn cho thâm canh, khó khăn cho sản xuất, tưới tiêu, chăm bón .v.v.

– Được rồi, con nói vậy mẹ yên tâm lắm. Mẹ vẫn luôn tin tưởng vào con. Việc trước mắt con nên bảo chú Lãm tham gia cùng. Người trong làng trong xóm rất tin tưởng chú ấy, có chú ấy làm cùng cũng dễ thuyết phục mọi người hơn.

Nghe nhắc đến chú Lãm, chị Nhài có chút băn khoăn trong lòng, chả là mặc dù không nói ra, nhưng chị đã thầm coi chú là bố mình rồi, bằng chứ là món quà Tết vừa rồi chị tự tay đi mua nhờ Nghĩa mang về cho chú. Mẹ nói rằng, chuyện này không cần nói ra bởi ở quê người ta dị nghị, nhưng không nói không có nghĩa là không nghĩ. Mà nghĩ trong lòng đôi khi cũng là quá đủ rồi.

Nhân chuyện này, Nghĩa cũng muốn tác thành cho mẹ và chú:

– Mẹ này, bố mất cũng qua đoạn tang rồi. Hay là ….. mẹ đến với chú Lãm đi. Chúng con dù sao cũng không thể chăm sóc mẹ tốt được. Mẹ cũng có tuổi rồi, cũng cần một chỗ dựa lúc về già. Con thấy chú Lãm rất tốt với mẹ, hơn nữa ….. chị Nhài ……

Nói đến đây, Nghĩa bị mẹ ngắt lời:

– Nghĩa! Cứ lo chuyện làm ăn của con đi. Hai đứa còn chưa đứa nào lập gia đình, mẹ sao dám nghĩ đến chuyện đó. Người ta cười cho. À, mà sao lâu rồi mẹ không thấy cái Tiên nó về nhà. Không phải hai đứa có chuyện chứ?

Nghĩa vẫn cứ canh cánh trong lòng chuyện của tình cảm với Thủy Tiên, nếu không vì phải về đây để lập nghiệp, có lẽ cậu sẽ quanh quẩn ở trên kia để tìm cho Thủy Tiên bằng được. Cậu đương nhiên không thể quên được Thủy Tiên rồi. Ánh mắt buồn rầu, Thủy Tiên không dám nói hết sự việc, nhưng cũng nói qua để cho mẹ hiểu:

– Thủy Tiên đang hiểu lầm con. Cô ấy đang giận con mẹ ạ.

– Con muốn làm thế nào thì làm. Mẹ thấy cái Tiên nó là đứa tốt, lại ngoan ngoãn mà giỏi giang. Người thành phố nhưng không có thái độ khinh khi người nhà quê mình. Con gái như vậy thật là hiếm, đừng có để mất mà phải tội ra. Đàn ông có lo cho sự nghiệp thế nào đi chăng nữa cũng không được quên đi gia đình. Gia đình vẫn là nền tảng để con phát triển biết chưa.

– Vâng, con biết rồi.

Quay sang chị Nhài, mẹ lại hối tiếp, giờ chị cũng đã 26 tuổi rồi, ở quê cũng liệt vào dạng gái ế:

– Còn Nhài nữa. Cũng sớm sớm mà tính chuyện đi. Thế Tết này thằng Tiến và cái Chích Bông có về đây chơi không?

Mấy năm nay, mặc dù không chính thức là người yêu Nhài nhưng cũng gần như vậy, Nhài có tình cảm với anh Tiến, bởi anh hiền lành, chất phát lại có tình cảm với cô thật lòng. Ở bên anh, cô thấy yên tâm về tương lai của mình. Nhưng cô vẫn cứ bắt anh đợi, đợi cho đến khi nào cô gặp lại đứa con gái mới thôi. Nghe bác Quân công an nói là cũng sắp rồi.

Nhài thẹn thùng ấp úng chẳng dám nói to:

– Mai anh ấy và Chích Bông về rồi mùng 5 mới đi.

Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Đó là tình cảnh của Nhài và anh Tiến hiện giờ.

– Mẹ biết con còn canh cánh trong lòng chuyện của Pha Lê. Nhưng mọi sự có số con ạ. Biết là con bé vẫn sống tốt là mừng rồi. Cứ lo cho chuyện của mình, rồi đến một lúc nào đó con bé sẽ về với con thôi.

– Vâng mẹ ạ.

Ây zà, cả nhà 3 người, 3 mẹ con, ấy vậy mà mỗi người đều mang trong mình một tâm sự riêng về chuyện tình duyên. Hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp cả thôi.

———-

Rồi Tết cũng qua, mùng 2 Tết anh Tiến và Chích Bông về nhà Nhài chơi rồi ở luôn đến mùng 5, sau đó cả 3 người cùng lên Hà Nội một lượt. Chích Bông phải đi học, anh Tiến phải đi làm, còn Nhài thì phải mở shop, năm nay mùng 6 đẹp ngày nên shop Trọng Thủy và shop Cẩm Tú đều mở hàng một ngày.

Việc đầu tiên mà Nghĩa làm để bắt tay vào công việc chính là phải ra UBND xã để trình bày phương án. Nói gì thì nói, những việc làm ở địa phương thì phải thông qua chính quyền, nếu chính quyền đồng ý thì danh mới chính, ngôn mới thuận được. Người ra Ủy ban cùng với Nghĩa không ai khác chính là chú Lãm.

Ngày đầu tiên bắt đầu làm việc của năm mới, không khí Tết vẫn còn vương vấn ngay cả cơ quan công quyền, cây đào Tết vẫn đang kỳ nở rộ được đặt trang trọng ở sảnh. UBND xã cũng không phải là sang trọng lắm, ngôi nhà 1 tầng với nhiều phòng làm việc đã nhuốm mầu rêu phong. Một số phòng làm việc cửa vẫn đóng im lìm.

Chú Lãm nhìn thấy phòng chủ tịch xã mở, trong lòng mừng húm vì ra đây không mất công toi:

– Nghĩa! Phòng chủ tịch ở kia. Đi thôi.

Nghĩa cầm theo một cái cặp da mầu đen, bên trong đựng tài liệu về kế hoạch của cậu theo chân chú Lãm.

Cánh cửa mở nhưng chú Lãm vẫn lịch sự gõ gõ cộc cộc vào cánh cửa để báo hiệu cho chủ tịch xã có người thưa chuyện.

Một người đàn ông cũng trạc tuổi chú Lãm, trạc tuổi bố Nghĩa ngồi trước bàn làm việc có bảng tên ghi là : “Chủ tịch UBND xã Dương Quang: Nguyễn Trọng Khôi”, thấy có người gõ cửa, chú Khôi chủ tịch dừng bút ngẩng mặt lên, nhìn thấy người đàn ông gõ cửa, miệng nở nụ cười luôn:

– Lãm à! Sao, mới đầu năm đã lên đây chúc Tết tôi đấy à?

Chú Lãm cũng cười đáp lại. Nghĩa thấy lạ bởi chú Lãm chỉ là một người nông dân chài lưới, ấy vậy mà nhìn thấy độ của ông chủ tịch có vẻ gần gũi thân thiết lắm.

– Ừ, trước là chúc Tết, sau có việc nhờ ông đây.

– “Hai chú cháu ngồi đi. Tôi không nhầm thì đây là Nghĩa con Bừng phải không?”, chú Khôi vừa ra bàn vừa nói.

Nghĩa lấy làm lạ vì ông chủ tịch xã lại biết tên mình:

– Chú biết cháu ạ?

Ngồi xuống bàn, rót ấm trà mới pha đầu giờ sáng, chú Khôi xòa cười:

– Ở cái xã này có ai là không biết Nghĩa con ông Bừng học giỏi nhất huyện cơ chứ. Với lại cháu không biết đấy thôi. Chú, Lãm và bố cháu trước học cùng 1 lớp đấy. Hà hà hà!

Chú Lãm gật đầu nhìn Nghĩa xác nhận. Nghĩa chỉ mơ màng biết hồi xưa, chú Lãm và bố mình có là bạn với nhau, nhưng không nghĩ là hai người còn học chung một lớp:

– Vậy ạ, thế mà cháu bây giờ mới biết đấy ạ.

Tác phong nhanh nhẹn của tầng lớp lãnh đạo trẻ, chú Khôi vào đề luôn:

– Sao? Hai chú cháu đến tìm tôi chắc không chỉ chúc Tết chứ.

Chú Lãm mở lời trước thể hiện vai trò dắt mối:

– Thôi chúc Tết để sau về. Giờ tôi vào việc luôn. Chả là cháu Nghĩa có dự định sẽ về quê lập nghiệp. Cháu nó định sẽ trồng cây ở vùng đất bãi. Nhờ ông có gì tư vấn giúp cháu.

Chú Khôi buông tiếng thở dài, không phải vì nghe Lãm nói mà vì nghĩ đến tình cảnh quê hương:

– Chính quyền địa phương rất hoan nghênh thanh niên như cháu lập nghiệp ở quê hương. Nói ra thật là buồn, giờ xã mình có 10 thanh niên thì có đến 9 đứa tính chuyện lên thành phố làm ăn. Giờ ở nhà chỉ còn toàn ông già bà lão và trẻ nhỏ. Cháu về đây lập nghiệp, giúp được gì nhất định chú sẽ giúp. Trồng cây trên đất bãi, chẳng phải đất bãi vẫn đang trồng cây đó sao? Có bỏ phí ngày nào đâu.

Giờ đến lượt Nghĩa trình bày:

– Thưa chú! Chẳng giấu gì chú, thời gian vừa qua cháu vừa làm vừa học cách trồng cây theo phương pháp mới ở Trường nông nghiệp. Giờ cháu muốn áp dụng phương pháp mới này vào việc trồng cây ở đất bãi quê mình.

Chú Khôi bắt đầu nhập tâm vào việc trình bày của Nghĩa, có một sự kích động nào đó trong lòng mà chú chưa thể nói ra được:

– Cháu cụ thể hơn được không?

Nghĩa lấy trong cặp ra một tập tài liệu dày hơn 100 trang, được đóng bằng bìa cứng mầu xanh, bên ngoài còn có một lớp nhựa cứng, trông rất trang trọng. Nghĩa đặt lên bàn rồi đẩy về phía chú Khôi, trên trang bìa có in hoa dòng chữ: “PHƯƠNG ÁN KINH TẾ SẢN XUẤT RAU AN TOÀN THEO MÔ HÌNH VIETGAP”. Ở cuối còn ghi rõ: “Người lập: Nguyễn Trọng Nghĩa”.

– Thưa chú! Cháu định tạo ra một vùng trồng rau an toàn theo mô hình VietGap, sản phẩm trước mắt sẽ cung cấp về Hà Nội, sau đó là cả nước và tiến tới sẽ xuất khẩu đi nước ngoài.

Chú Khôi nhìn chằm chằm vào tập tài liệu, chú không tin vào những điều mà mình nhìn thấy, một thanh niên sinh ra và lớn lên tại địa phương, một vùng quê còn nghèo nàn lạc hậu, ấy vậy lại mang trong mình ý chí lớn đến như vậy. Chú như bị hút hồn vào tập tài liệu ở trước mắt, ngồi thần một hồi lâu, trời vẫn còn lạnh, những trán chú lấm tấm mồ hôi, bởi máu trong huyết quản sôi sùng sục.

Mãi một lúc sau, chú mới vỗ tay mạnh một cái vào đùi phát ra tiếng kêu “độp” làm cả Nghĩa và chú Lãm giật hết cả mình:

– Đây chính là cái mà xã mình đang cần.

Nói xong chú đi như chạy về phía bàn làm việc của mình rồi lấy ra một tờ giấy A4, trên đó chi chít chữ. Chú quay trở lại bàn làm việc:

– Nghĩa, chú cho cháu xem cái này. Đây là Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà xã vừa nhận được hôm trước Tết. Trong công văn chỉ đích danh xã mình phải nghiên cứu và phát triển thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn theo mô hình mới được áp dụng VietGap, từ đó làm điểm để nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Nghe các anh trên huyện nói, chuyện này là do một cán bộ trẻ phòng kinh tế nông nghiệp của Sở sau khi nghiên cứu địa hình và thổ nhưỡng của xã đã đề xuất lên lãnh đạo và được phê duyệt. Mà cũng tài, cán bộ ấy về địa phương tìm hiểu mà cũng không báo cho địa phương biết. Cứ âm thầm tìm hiểu rồi uỳnh một cái giao việc. Thú thực là chú còn chưa biết cái VietGap nó là cái gì, chứ chưa nói đến làm nó. May quá, giờ có cháu đây rồi. Thay mặt Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, chú hứa sẽ giúp cháu làm cho bằng được phương án kinh tế này.

Nghĩa và chú Lãm nhìn nhau mỉm cười. Họ không ngờ rằng, công việc ngày đầu năm lại thuận lợi đến như vậy. Được sự ủng hộ tuyệt đối của UBND xã như thế này thì còn gì bằng, còn lo gì việc không thuyết phục được các hộ dân theo mình nữa.

– Vâng ạ, thế thì cháu yên tâm rồi. Cháu chỉ lo không nhận được sự ủng hộ của chính quyền thôi.

Chú Khôi đứng dậy, giơ tay ra bắt tay Nghĩa như hai người đàn ông:

– Giờ cháu yên tâm rồi nhé, thế bao giờ cháu định bắt đầu nào?

Thời gian không đợi 1 ai cả, Nghĩa hiểu điều đó hơn bao giờ hết. Bao nhiêu năm chịu đựng vô vàn vất vả đắng cay, rồi chịu cả sự hy sinh tình cảm của bản thân để cậu có thể bắt đầu thực hiện hoài bão của mình, không thể chần chừ thêm nữa, Nghĩa quả quyết:

– Ngay ngày mai ạ!

Trời bắt đầu hửng nắng, cái nắng mùa xuân dịu dàng và ấm áp.

— Hết chương 43 —