TÀ ÁO NƠI BIÊN CƯƠNG – Seri Truyện Siêu Phẩm ( Update Chương 18 )

Thông Tin Truyện

Tên Truyện: TÀ ÁO NƠI BIÊN CƯƠNG – Seri Truyện Siêu Phẩm ( Update Chương 18 )

Tác Giả:

Lượt Xem: 1706 Lượt Xem

Chương 8: Chợ phiên Tả Sín Chài

Ba người Khoa, Thu Huyền và Khánh Linh đến cổng chợ lúc trời vừa hửng nắng, tính như vậy cũng là muộn rồi bởi chợ bắt đầu họp từ 4 giờ sáng, lúc trời còn hơi sương, lúc con gà trống nằm trong lồng của dân bản bày ra chợ bán từ tối hôm trước vẫn còn chưa cất tiếng gáy gọi cái ông mặt trời. Gửi xe vào một bãi gửi ở dưới chân đồi, cũng là nơi họp chợ. Nói là bãi gửi xe chứ thực ra trong bãi còn có cả một khu đất để gửi ngựa nữa. Có nhiều đồng bào từ xa về phải đi bằng ngựa, rồi họ gửi tại đây, mua luôn của người coi một bó cỏ non rồi đặt trước mõm ngựa cho ăn.

Khánh Linh, 30 tuổi, nhiều hơn Thu Huyền 2 tuổi, còn Khoa đương nhiên là ít tuổi nhất rồi, lên tiếng trước khi ba người vào chợ, cô chỉ lên phía đỉnh đồi, nơi trung tâm của Chợ phiên, kèn kẹt tấp nập rất đông người:

– Khoa này, nếu lên đây để chụp ảnh thì cứ chủ động đi các nơi trong chợ, chợ rất rộng, rất đông người. Nếu lạc các chị thì cứ gọi điện, nếu không gọi được thì cứ 10h là xuống bãi gửi xe này nhé. 10h chúng ta phải về trường không thì muộn mất. Các chị phải đi mua đồ cho trường nên không theo em chụp ảnh được đâu.

Nhìn thấy nườm nượp người người đủ các dân tộc trong mầu áo xúng xắng, mang đậm bản sắc của dân tộc mình, trong lòng Khoa vô cùng phấn khích, cậu dự định sẽ chụp thật nhiều ảnh để làm tư liệu cho chuyến thực tập của mình. Ở điểm trường Pa Thăm, nhiều nhất là đồng bào dân tộc H’Mông, thứ đến là dân tộc Thái, còn các dân tộc khác rất ít và lại ở rất xa nên Khoa ít có dịp tiếp xúc. Ở đây thì khác, có hàng chục đồng bào dân tộc khác nhau, tha hồ cho Khoa tác nghiệp.

– Vâng, thế hai chị có cần em đi cùng để xách đồ không? Em thấy mẹ bảo phải mua nhiều đồ lắm cơ mà.

Thu Huyền tủm tỉm, Khánh Linh cũng tỉm tủm theo, Khoa không biết đó thôi, vì hai nàng là cô giáo, chỉ cần nói mình là cô giáo Pa Thăm, mua đồ cho các em học sinh thì được bán rẻ hơn, đồng bào còn tranh nhau bưng bê mang vác đồ cho các cô nữa ấy chứ. Thu Huyền nhỏ nhẹ, đằm thắm như một bông hoa lan rừng mọc nơi sâu thẳm nhất, trên ngọn cây cao nhất mà chàng trai Mông nào giỏi nhất, dũng cảm nhất mới mới có thể ngắt được, nàng nở một nụ cười tươi làm ánh nắng sớm chiếu vào hàm răng ngọc phản chiếu ra tia sáng:

– Khoa đừng lo, các chị tự sắp xếp được. Nhớ chụp thật nhiều ảnh vào nhé.

Khoa có chút ngất ngây trước vẻ đẹp của chị Thu Huyền, chị em sóng sánh trên xe mấy tiếng đồng hồ, nhưng đó là khi đêm, trời tối, với lại Khoa ngồi trước cầm lái, còn chị ngồi sau nên cũng chẳng nhìn được nhiều. Giờ đây, khi cái ông mặt trời đã lên cao, rọi sáng muôn vật, Khoa nhìn chị đẹp đến lạ, đẹp như thiên thần lạc vào vùng đất thiên nhiên hoang dã này. Chị Thu Huyền người nhỏ nhắn, mình dây có khuôn mặt thon thon, cánh mũi cao cao quyền quý, có cái giọng thanh thanh nghe thật dịu lòng người.

– “Vâng, thế 2 chị đi cẩn thận, có gì thì alo cho em nhé”.

Vừa kéo Thu Huyền đi, Khánh Linh vừa ngoảnh lại phía sau dặn dò thêm:

– Ở trên đây, điện thoại đôi khi chỉ là vật trang trí. Nhớ lời chị dặn, nếu có chuyện gì xảy ra, chỉ cần nói: “Em là con cô giáo Thương điểm trường Pa Thăm” thì sẽ có người giúp đỡ em.

Hai chị đi khuất, mình Khoa đứng giữa bãi xe như trời trồng, câu nói chị Khánh Linh vẫn văng vẳng trong đầu, “Em là con cô giáo Thương, điểm trường Pa Thăm”, có thể lúc này Khoa chưa hiểu được hết ý nghĩa của câu nói, nhưng rồi đến một ngày đó, nhất định, nhất định Khoa sẽ hiểu. Cô giáo Thương – điểm trường Pa Thăm là một cái tên hết sức có ý nghĩa, hết sức lớn lao đối với đồng bào dân tộc của cả một vùng giáp biên của huyện Sìn Hồ này, dân địa phương vẫn gọi dẻo đất trùng điệp núi đồi, dẻo đất của những ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh, của hoa ban nở trắng đồi, của đồng bào dân tộc thuần khiết nhất, tận cùng phía Tây của tỉnh Lai Châu, giáp với nước bạn Trung Quốc này là vùng Tả Sín Chài.

—-

Với chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, Khoa bắt đầu khám phá chợ phiên.

Chợ phiên Tả Sín Chài nằm trên một ngọn đồi trống, để lên được trung tâm của chợ, là đỉnh của ngọn đồi phải vượt lên một đoạn dốc. Người lên kẻ xuống tấp nập như người ta đi chảy hội Chùa Hương mà Khoa đã có vài lần đi. Con dốc này cũng không hề nhàm chán giống như nhiều con dốc thoải khác mà Khoa đã đi trong mấy ngày ở trên đây vừa rồi. Ngay từ ở chân đồi, theo hướng đi lên, ở bên bên sườn con đường mòn đã la liệt các mặt hàng mà người dân bày bán.

Khác với trung tâm chợ phiên, nơi có các sạp hàng to của người bán hàng chuyên nghiệp, mua đi bán lại, bày bán ở bên ngoài này chỉ là các cá nhân, họ chỉ bán một loại đồ duy nhất mà mình săn được, bắt được, trồng được. Rất phong phú và đa dạng các mặt hàng.

Khoa lại gần một anh chàng người Tày đội mũ nồi đen, áo quần đen giống người Mông nhưng áo của người Tày có một chút khác biệt, đấy là các cúc áo là một cục vải cuộn lại, đính với tà áo bên kia bằng một vòng tròn, áo cũng ngắn tay chứ không giống người Mông thường là áo dài tay. Bên cạnh anh chàng người Tày chắc là vợ và đứa con nhỏ chắc chưa đến 1 tuổi ấp vào ngực bằng một miếng vải buộc chéo ra sau lưng. Vợ anh chàng người Tày này cũng diện bộ mầu đen nhưng trên cổ có một vòng bạc rất lớn, đầu chít một chiếc vòng vải bằng cổ tay giống như Liền chị người quan họ Bắc Ninh, vừa là vật trang trí, vừa là có tác dụng vấn tóc gọn cho gọn gàng. Không cần nói, Khoa cũng biết đây là trang phục truyền thống của đồng bào Tày. Nhìn cái bao tải đang lùng nhùng như có con gì đó ở trong trước mặt anh chàng người Tày đó hỏi:

– Anh có cái gì trong bao tải này đấy.

Người Tày thấy khách hỏi thì cười tươi ra mặt, có vẻ nóng ruột muốn bán lắm rồi, mở toạc cái bao tải dứa ra khoe:

– Cái người Kinh xem đi, đây là cái con dúi mà tao bắt nó trong rừng sâu, tao phải đào hang, đặt bẫy nó mấy ngày mới bắt được đấy. Cái người Kinh mua cho tao đi, để tao còn lên chợ uống bát rượu, tao khát lắm rồi. Để cái vợ tao còn phải lên chợ mua cái vòng cho đứa con gái tao sắp lấy chồng nữa. Người Kinh mua hộ tao đi, cái ông mặt trời sắp lên đến đỉnh đồi, chợ sắp tan rồi.

Khoa ngó vào trong, một chú dúi nho nhỏ mầu vàng ngéo đang ngoe nguẩy bên trong bao tải, ra chiều sợ sệt lắm.

– Lên chợ đến bán hàng, sao lại còn đi uống rượu.

Anh chàng người Tày có vẻ sốt ruột muốn bán cho xong, nó rất nhanh bằng cái giọng líu lo pha nửa tiếng tộc, nửa tiếng Kinh:

– Ấy cái người miền xuôi không biết rồi. Tao không phải dân buôn đâu mà, tao chỉ bán con dúi tao bắt được để có cái trả tiền rượu tao uống thôi à. Người miền xuôi mua cho tao đi.

– Thế anh bán bao nhiêu tiền con dúi này.

Anh chàng Tày đưa tay lên gãi đầu qua cái mũ nồi, cũng chẳng phải anh ngứa đâu, chắc là vì đang phải nghĩ:

– Ơ, tao … tao cũng biết ……. Người miền xuôi chỉ cần trả tao đủ tiền rượu tao uống đến khi nhìn một cái vợ thành hai cái vợ là được rồi.

Lần này đến lượt Khoa gãi đầu, cậu không biết phải trả bao nhiêu tiền nữa. Với lại cũng không muốn mua vật sống mang về, rất lích kích:

– Thế để em đi lên chợ hỏi xem tiền rượu bao nhiêu rồi xuống đây trả anh tiền nhớ?

Khoa nói bừa như vậy, hy vọng rằng anh dân tộc hiểu là ý mình không muốn mua. Nhưng anh chàng Tày gật đầu ngay tắp tự, cứ như là việc mua bán đã thành công:

– A, cái bụng của người miền xuôi tốt quá, mua cho tao con dúi, để tao có tiền uống bát rượu ngô cay nồng đến say rồi. Người miền xuôi đi đi, tao chờ người miền xuôi xuống đây trả tao cái đồng tiền.

Khoa gật đầu cười rồi bước đi tiếp, Khoa không hiểu, hoặc chưa hiểu, cái gật đầu của mình sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp như thế nào. Sau lưng cậu vẫn văng vẳng tiếng hát ru con của vợ anh chàng người Tày: “Kin tồng thon, nòn tồng uổn” (ăn như con nhím, ngủ như con dúi – Cu Zũng).

—–

Sau chụp vài kiểu ảnh gia đình anh chàng người Tày, Khoa đi thêm một đoạn rồi ghé vào một thúng bày cái gì đó rất lạ mắt, mầu đen đen, trông giống như nấm mà cậu biết nhưng không phải vì nó to hơn rất nhiều, to như cái bát oto. Đứng trước thúng hàng đó là một chị người dân tộc Nùng, sau lưng địu một đứa con nhỏ thó, đầu ngặt về một bên, chắc là đang ngủ say. Chị người Nùng đứng, đung đưa lưng mình như ru con ngủ thêm say, chị mặc một chiếc áo mầu đen, có cổ chéo giống như áo dài của phụ nữ người Kinh nhưng không có tà áo, phần ngực lệch về một bên vai kiểu cách bằng một miếng vải mầu xanh da trời, ở phần bụng có một cái đai bằng thổ cẩm quấn quanh, quần ống rộng, đi giầy ba ta vải, đầu chít khăn xanh đỏ kín đến tận giữa trán, nhìn gọn gàng, nhanh nhẹn giống nữ hiệp trong phim Tầu. Khoa ngồi xuống, sờ sờ vào đồ ở trong thúng của chị người Nùng:

– Cái gì đây hả chị?

Chị người Nùng nhoẻn cười một cái làm lộ hàm răng đen bóng loáng của mình:

– Cái nấm rừng đấy, người Kinh mua đi. Tao bán rẻ cho.

Theo kiến thức của Khoa, nấm có rất nhiều loại, miền nào, vùng nào cũng có, nhưng không phải loại nấm nào cũng ăn được. Khoa nhìn loại nấm này thấy rất lạ mắt bèn thắc mắc hỏi:

– Nấm này là nấm gì? Ăn có bị ngộ độc không chị?

Hình như là chị người Nùng này không hài lòng với câu hỏi của Khoa thì phải, chị cau mày làm cái khăn chít trên đâu hơi vểnh lên, chị đong đưa lưng mình mạnh hơn ban nãy:

– Này cái người Kinh, mình biết mình mới bán, chứ mình không bán cái nấm độc cho đồng bào đâu. Cái bụng mình tốt, mình không làm điều xấu đâu. Người Kinh không tin người đồng bào mình sao?

Câu nói này của chị người Nùng làm Khoa thất thần suy nghĩ, câu hỏi của Khoa cũng chỉ là vô tư thôi, cậu không biết rằng, đối với suy nghĩ trong sáng, thánh thiện của đồng bào dân tộc, điều đó là một sự xúc phạm không hề nhẹ một chút nào. Khoa chữa:

– Không, em không có ý đó. Em tin người đồng bào mình mà. Thế cái nấm này có tác dụng gì?

– Người Kinh mua cái nấm này, thái ra một ít rồi đun với nước nóng, uống vào rất mát trong người, lại khỏe mạnh để đi rừng, lội suối không bị bệnh tật gì đâu.

Khoa nhặt lấy 3 cây nấm to nhất, vừa nhặt vừa hỏi:

– Thế mẹ con chị xuống chợ phiên có một mình thôi à?

Đỡ lấy ba cây nấm từ tay Khoa, chị người Nùng dùng tay không nâng lên hạ xuống vài lần:

– Không, còn có thằng chồng tao theo tao đi chợ phiên nữa. Nhưng nó đang uống rượu ở trên kia kìa, khi nào nó say, nó sẽ bò xuống đây để tao bưng nó vắt lên cái lưng ngựa, con ngựa sẽ đìu nó về nhà cùng tao. Nấm mày mua nửa cân, mày trả tao 50 nghìn đi.

Khoa lại gãi đầu, không hiểu sao chị người Nùng biết ba cây nấm to uỳnh kia nặng nửa cân. Chị chỉ dùng tay thôi mà:

– Chị có cân đâu sao mà biết nửa cân?

– Tao cầm tay là tao biết mà, người Kinh lại không tin đồng bào mình hay sao? Tao đã bao giờ lừa người Kinh chưa?

Chị người Nùng lại giở bài cũ ra làm Khoa bối rối, cậu chừa luôn cái thói nghi ngờ người đồng bào, rút ví ra trả 50 nghìn nhưng có định trêu, với lại cũng thử mặc cả xem thế nào, có giống cách buôn bán của người miền xuôi không?:

– Không, em không có ý đó. Em chỉ thắc mắc thôi mà. Em mua nhưng chị bớt cho ít tiền được không?

– Tao không bán đắt cho người miền xuôi đâu. Mà tao không bán đắt thì sao tao phải bớt tiền.

Khoa cố nặn trong đầu ra một lý do, đúng là cậu cũng không biết giá nấm này, chẳng biết thế nào là đắt, là rẻ. Nghĩ mãi, rồi nhớ ra lời chị Khánh Linh dặn lúc ở bãi gửi xe, cũng là để thử xem có đúng như lời chị nói không:

– Em là con của cô giáo Thương điểm trường Pa Thăm, chị bớt cho em đi.

Mắt chị người Nùng hình như sáng lên, chị không chìa tay ra lấy tiền nữa mà cười tươi như gặp người thân:

– Người Kinh là con của cô giáo Thương à? Nếu thế tao không lấy tiền của người Kinh đâu. Nhà tao, bản tao, dân tộc Nùng tao ở bản Nậm Thàng biết ơn cô giáo Thương lắm. A Dế nhà tao, Pản May nhà tao đều học cái chữ của cô giáo Thương, được ăn cái cơm trắng của cô giáo Thương cho. Tao không lấy tiền của người Kinh đâu. Người Kinh cầm nấm đi, tao cho người Kinh đấy.

Khoa đã tin lời chị Khánh Linh nói, tiếng mẹ Thương, tiếng cô giáo Thương đã không còn nằm ở điểm trường Pa Thăm mà vang xa cả vùng núi hẻo lánh Tây Bắc này rồi, như làn gió, như áng mây, như hạt mưa sa thấm đẫm vào đất, vào lòng người rồi. Thêm một lần nữa, Khoa tự hào về mẹ!

—–

Cầm theo cái túi nilong đựng ba cây nấm, Khoa tiếp tục bước lên đồi cao, nơi trung tâm của chợ Phiên.

Có rất nhiều người bán các loại mặt hàng nông sản, lâm sản như anh chàng người Tày, như chị người Nùng ở hai bên đường lên đỉnh đồi. Hầu như Khoa mỗi cửa hàng Khoa đều ghé lại một chút, hỏi xem đây là thứ gì, rồi chụp ảnh xong mới đi. Điểm chung của người bán là đều ăn mặc theo trang phục truyền thống của dân tộc mình, chỉ bán một loại mặt hàng duy nhất do chính mình trồng được, săn được, hái được, bắt được, bẫy được. Họ bán thêm để kiếm tiền, rồi lát nữa lên chợ chính mua những thứ mình cần, xong họ còn đi chơi chợ phiên, đó mới là mục đích chính của mỗi lần đi chợ.

Có một người Dáy bán một xô mật ong rừng, vẫn còn nguyên sáp ong, nhộng ong bò lổm ngổm, mùi mật ong rừng thơm một thanh dịu chứ không nặng mùi đường như mật ong miền xuôi.

Có người Dao bán ngọc cẩu rừng, trông giống như của giềng nhưng không phải. Ngọc cẩu có hai loại, ngọc cẩu đực và ngọc cẩu cái. Người dân tộc gọi là ngọc cẩu bởi nó trông hình dạng giống như giái con chó, to hơn ngón chân cái một chút. Ngọc cẩu đực và ngọc cẩu cái ngâm chung với nhau trong một chum rượu, uống vào bổ tinh, cường thận, tráng dương. Khoa có thắc mắc hỏi tại sao phải ngâm chung ngọc cẩu đực và ngọc cẩu cái với nhau thì được anh chàng người Dao trả lời thế này:

– Ơ cái người Kinh không biết à, theo tao hỏi cái người Kinh nhớ, đàn bà phải có đàn ông mới sinh được con đúng không? Vì vậy ngọc cẩu đực phải ngâm với ngọc cẩu cái mới được chứ. Có thế thôi mà người Kinh cũng không biết ạ.

Có đồng bào bầy bán mấy giò lan rừng; có đồng bào bán bịch chuối hột đã cắt lát nhỏ phơi khô; bán cây ba kích; bán củ sâm đất; bán con lợn nhỏ xíu có ba lông mọc chung một lỗ; bán con gà đen tuyền, đen cả lông đến da thịt. Nhiều lắm, Khoa không nhớ xuể.

—–

Hết đoạn dốc đồi, lên đến Trung tâm chợ. Khoa bàng hoàng vì quy mô chợ quá lớn so với sức tưởng tượng của cậu về một chợ vùng núi cao. Ở dưới chân đồi chỉ nhìn thấy một mé, cũng không thấy lớn, nhưng khi lên đến nơi rồi mới thấy, nó quá rộng và quá lớn. Giống như một trung tâm thương mại sầm uất nhất thủ đô. Người người nườm nượp chen lấn nhau xem chợ, giống như các lễ hội đình chùa đầu năm. Người chơi chợ thì đa dạng vô cùng, đủ các loại mầu sắc, đủ các loại dân tộc. Ngoài đồng bào dân tộc địa phương, có không ít người Kinh lên đây du lịch, khám phá. Lại có có cả người nước ngoài với cái ba lô to đùng ở sau lưng nữa. Tất cả tạo thành một bản hòa ca đa mầu sắc, đa dân tộc.

Người đồng bào nói không có sai, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, sản vật. Nó còn là nơi giao thoa các nên văn hóa, các dân tộc, nơi đồng bào kết tình đoàn kết, 54 dân tộc anh em chung một nhà, chung một nòi giống, không phân biệt sắc tộc, vùng miền, tiếng nói.

Người Dao bán hàng cho Tày, người Tày mua hàng của Sán Rìu, người Sán Rìu đổi gạo lấy gà của người Mông, người Mông bán ngựa cho người Thái .v.v. Cứ thế tạo nên một vòng tròn khép kín, cộng hưởng cộng sinh từ hàng ngàn đời nay.

Không giống như những cá nhân bán hàng lẻ dưới dốc, ở chợ trung tâm phân ra làm các khu vực riêng, với quy mô nề nếp hẳn hoi.

Khu đầu tiên khi Khoa vừa bước lên đoạn đỉnh đồi là khu bán nông cụ và dụng cụ gia đình. Ở đây người ta bầy bán các loại dao, dao thái rau, dao chặt thịt, dao đi rừng, dao đốn củi. Rồi lưỡi cầy, lưỡi hái, lưỡi phạt rãy. Rồi cuốc, thuổng, mai. Rồi kiềng bếp, xoong, nồi, thảu, dùi, mài .v.v. Có vài chục sạp bày bán những mặt hàng tương tự nhau như vậy.

Khu thứ 2 nằm ở mép đỉnh đổi, là nơi chuyên bán các sản vật địa phương, từ rừng sâu, từ đồi, từ vườn của đồng bào. Có bày bán la liệt các loại cây phong lan, từ to đến nhỏ, các loại hoa quả rừng đào mận, các loại củ rừng như măng, các loại cây phơi khô dùng để làm thuốc. Phải nói là vô cùng phong phú, phải là người bản địa sống lâu lắm mới biết hết được đây là những loại cây, loại củ, loại hoa, loại quả gì, tác dụng ra sao. Còn những khách du lịch như Khoa đây, họa hoằn lắm mới biết được một vài loại, phải hỏi người bán mới biết được tên.

Khu nọ nối tiếp khu kia, cũng không có ranh giới rõ ràng, tiếp theo, Khoa ghé thăm và chụp rất nhiều ảnh khu bán và trao đổi gia xúc, vật nuôi. Đồng bào bán ngựa, bán trâu, bán dê, bán gà, bán chó. Ngựa cũng có mấy giống khác nhau, giống dùng để thồ hàng, loại dùng để cưỡi, có cả giống ngựa nuôi để giết thịt. Duy nhất có một con ngựa mầu trắng, đồng bào chỉ bán cho người miền xuôi mua về để nấu cao, gọi là cao ngựa bạch. Gà cũng vậy, đồng bào miền này nuôi nhiều nhất là loại gà đen, con nào con đấy nen thủi từ đầu đến chân, đen cả lông, đen cả thịt. Lợn cũng có vài loại, nhưng con nào con nấy đều bé bé, chỉ nhỉnh độ đôi chục cân, mầu đen trắng, vàng, nâu có đỏ. Loại lợn bán được giá nhất là lợn mán nuôi thả, loại lợn này nhỏ tí, con to nhất chỉ khoảng 2 chục cân, 3 lông cắm chung một lỗ, da dầy cộp, lợn nuôi thả rông, ăn tự nhiên những gì nó kiếm được chứ đồng bào không cho ăn bao giờ. Nuôi cả năm, thậm chí 2 năm mới được một con mười mấy hai chục cân. Còn nhiều lắm, nhím, chồn, dúi, gà rừng, tê tê, chim rừng các loại, là những con mà đồng bào săn bắn, đặt bẫy được trong rừng sâu, rồi đem lên chợ phiên bán hoặc trao đổi những thứ mình cần.

Chưa hết đâu, ở chợ phiên, một khu không thể thiếu được, thu hút rất nhiều phụ nữ ghé thăm chính là khu bán quần áo, đồ trang điểm, phụ kiện. Phụ nữ người dân tộc tùy theo tộc người của mình đều cách chọn trang phục, phụ kiện đeo trên người riêng. Nhưng có một điểm chung của tất cả các dân tộc chính là trang phục truyền thống, được mặc trong các dịp trọng đại như đám cưới, đón Tết, Lễ đặt tên con, Lễ xuống rẫy, Lễ cúng Ma rừng, Ma nhà .v.v. là phải được làm thủ công, thêu dệt tỉ mỉ, người miền xuôi gọi chung là Thổ cẩm. Từ áo, quần, vòng vấn tóc, đai lưng đều được làm thủ công. Một bộ quần áo truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ nếu 1 người làm từ đầu đến cuối phải mất gần 1 năm, ấy là họ tranh thủ những lúc nông nhàn, chưa tới mùa rãy, mùa nương. Nếu tập trung làm liên tục cũng mất đến 3 tháng trời.

Phụ nữ đồng bào thích đeo các vật trang trí bằng kim loại, chủ yếu là từ bạc. Họ quan niệm, bạc ngoài có tác dụng làm vật trang sức, còn có tác dụng tránh gió độc, tránh tà ma, mang lại sức khỏe và may mắn. Tùy từng dân tộc mà có những truyền thống mang kim loại khác nhau. Chẳng hạn như người Nùng thích đeo vòng bạc ở cổ, người Thái thích đeo vòng bạc ở tay, người Dao thích đeo hoa tai bằng bạc, người Mông đeo vòng bạc ở cổ chân.

Ngày nay, ở chợ phiên, những thứ quần áo, phụ kiện đó hầu như không phải để bán cho người bản địa, mà chủ yếu bán cho khách du lịch thập phương lên đây mua về chơi, khoe với bạn bè. Nguồn gốc cũng biến chuyển đi nhiều, tinh vi trà trộn giữa những loại do chính tay đồng bào làm là loại hàng công nghiệp nhập từ bên kia biên giới về. Ai tinh mắt lắm mới phát hiện ra.

Nếu khu bán đồ thổ cẩm và trang sức thu hút phụ nữ thì khu ẩm thực lại thu hút cánh đàn ông. Nói đến ẩm thực Tây Bắc, có thể tự hào rằng, không kém bất kỳ một nơi nào trên thế giới này. Phong phú và đa dạng vô cùng. Khoa nuốt nước miếng ừng ực khi đi qua các dẫy bầy la liệt vô số các loại đồ ăn thức uống. Mỗi sạp hàng bán một loại thực phẩm đặc trưng, sạp nào sạp nấy chật kín người, chen chúc nhau ngồi ăn, ngồi uống.

Để kể hết những loại thực phẩm được bán ở khu này có lẽ phải mất vài ngày mới hết. Nhưng có 2 thứ không thể không kể, ngon nhất, đông người ăn nhất. Thứ nhất đó là các món thịt luộc. Một nồi nước dùng to lớn trên bếp củi đượm sôi ùng ục, tỏa khói nghi ngút, đồng bào luộc tất cả các loại thịt mà mình bán, từ thịt lợn, tai lợn, mũi lợn, đầu lợn, lòng, dồi, tràng, gà đen cả con .v.v. Luộc chín đến đâu, chủ hàng vớt ra đặt chung lên sạp to tướng, lúc nào cũng tỏa khói nghi ngút, bay mùi thơm phức hấp dẫn thực khách. Ai thích ăn gì chỉ việc chỉ, chủ hàng khéo léo nhấc lên, cân rồi thái. Vừa thái vừa đưa tay lên tai vì đồ ăn vẫn còn nóng hổi. Thái ra đặt vào trong một cái tô, rắc lên một ít hành tươi thái nhỏ, rồi dưới lên đó một nước dùng từ chính nồi thịt luộc đang sôi cho hành vừa chín tới, bầy lên bàn với một bát chấm chẩm chéo cay cay, mặn mặn, bùi bùi, thơm thơm.

Thứ 2 đó là món Thắng cố. Thắng cố, một món ăn đặc sản, đậm chất dân tộc vùng núi Tây Bắc trải dài từ tận vùng Lào Cai – Yên Bái chạy dọc theo dẫy Hoàng Liên Sơn đến tận vùng Sơn La – Lai Châu. Cái tên Thắng cố từ đâu mà có, chẳng ai biết kể cả các thầy mo, thầy cúng, người đại diện cho các thần linh theo quan niệm của đồng bào, hiểu nhiều biết rộng, đông tây kim cổ, từ xưa tới nay, cũng chẳng biết. vì vậy Cu Zũng đương nhiên cũng chẳng biết rồi.

Thắng cố lấy ngựa làm nguyên liệu chính, nấu kiểu lẩu, hố lốn đủ các thứ thịt của con ngựa cho chung vào một nồi, nhưng thứ mà không thể thiếu được, thiếu nó người ta không gọi là thắng cố chính là nội tạng. Lấy bộ lòng già làm gia vị chính. Thắng cố gốc của đồng bào, phần lòng già giáp với lòng non phải để nguyên, không được rửa qua nước, không được lọc phân non (nậm pịa) của con ngựa. Chính vì vậy nồi thắng cố có mùi hơi thum thủm, thôi thối rất khó ăn nếu không quen. Nhưng ngày nay thì khác, phần đó được lọc bỏ đi, làm sạch nên không còn mùi khó ngửi đó nữa, mà thơm ngon, nức mũi giống như các món lẩu bình thường khác.

Hai món ăn kể trên, nếu không uống với rượu phí cả cuộc đời. Rượu đồng bào ngon lắm, cay lắm, nồng lắm, nặng lắm. Về quy trình nấu rượu cũng không khác với miền xuôi, nhưng khác ở nguyên liệu làm ra nó. Rượu đồng bào dân tộc phải là men lá ủ chín, gạo phải là loại nếp trồng trên nương. Rượu ra thế nào uống thế nấy, ngon hơn phải chôn dưới đất, cận âm vài tháng mới đào lên uống. Rượu nặng nhưng êm, đưa lưỡi, uống say nhưng không đau đầu, không bị tình trạng nôn thốc nôn tháo như rượu miền xuôi. Mà đầu chỉ quay quay, vòng vòng, hoa hoa mà thôi. Chẳng thế mà, có chàng trai dân tộc say mèm nhưng vẫn bò về được đến nhà dù cách cả chục quả đồi cao.

Như Cu Zũng đã từng kể cho các bạn nghe, chợ phiên không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa, nông lâm sản địa phương mà còn là nơi giao lưu văn hóa, giao lưu giữa các dân tộc vùng Tây Bắc. Chính vì thế, một khu đất rất rộng phía bên kia sườn đồi là được dùng làm nơi tổ chức các trò chơi.

Ở nơi đó, các cô gái dân tộc súng sính đủ các sắc mầu, các chàng trai nhoẻn cười nếu nhìn thấy một cô gái cùng tộc mình xinh đẹp, đánh mắt đưa tình. Từng tốp người, bất kể dân tộc nào xếp thành từng vòng tròn chơi các trò chơi.

Chiếc đu quay cao đến cả chục mét ở chính giữa khu vui chơi đang bật hết bên này đến bên kia trong tiếng hò hét của đám đông bên dưới. Ở tyển đu quay, một chàng trai và một cô gái người Sán Rìu cong mông đẩy xích đu, sao cho xích đu bật cao nhất, đáp ứng sự cổ vũ của đám người bên dưới. Xích đu được làm bằng cây tre già nhất trong rừng, từ trụ đến giá đu, dây đu đều làm bằng tre, buộc lại với nhau chắc chắn bằng dây dứa rừng, mỗi lần bật đều phát ra tiếng cọt kẹt, cọt kẹt nghe mới vui tai làm sao.

Ở một đám đông khác, tiếng lách cách của các chàng trai cô gái dân tộc Thái trắng đang múa sạp, người cổ vũ cũng múa tay theo nhịp nhạc sòn sòn sòn đô sòn. Chàng trai gõ nhịp nữa, đập hai thanh nứa lại với nhau tạo nhịp cho các cô gái một tay vén váy lên cao một chút, chân đưa nhịp nhàng, uyển chuyển. Càng về cuối bài, các chàng trai như muốn thử tài các cô gái, họ nâng nhịp lên nhanh hơn, mạnh hơn để các cô gái lỗi nhịp và vấp phải thanh nứa. Nhưng không, nhịp nhanh thì nhảy nhanh, nhịp chậm thì nhẩy chậm, chẳng lỗi nhịp nào.

Ô kìa, trò chơi ném gòn sao thu hút người chơi đến vậy. Cả trai lẫn gái. Một cái vòng tròn nhỏ trên đỉnh một ngọn tre cao cao, người chơi cầm quả gòn, được bọc vải đỏ tay vung vung lấy đà vài vòng rồi quả gòn vút bay lên không trung, xa đến vậy mà tài chưa kìa, quả gòn bay qua vòng tròn sang bên kia. Mỗi lần như vậy, chàng trai, hay cô gái lại được một tràng vỗ tay vang dội cổ vũ tinh thần.

Lại nữa kìa, tiếng khèn Mông quen thuộc, ở một góc kia, các chàng trai Mông mặc quần đen đang khuỳnh chân múa khèn, tiếng khèn hòa với điệu múa làm một thật ăn ý. Vừa thổi khèn, chàng trai vừa liếc mắt đưa tình vào một cô gái Mông nào đó mà mình thích. Các cô gái thì e thẹn quay mặt đi, che đi vệt hồng trên má.

Một trò chơi nữa, mà chắc là chỉ còn ở chợ phiên Tả Sín Chài này lưu giữ được, mô tả lại cách giao tiếp của đồng bào kia xưa. Hai ống bơ được nối với nhau bằng sợi chỉ đỏ, cách nhau cả chục mét. Một chàng trai đang nói chuyện với cô gái, họ nói thì thầm chỉ để cho nhau nghe thấy. Đó chính là “điện thoại” của đồng bào đấy. Ngày xưa, đã từ lâu lắm rồi, có một tục lệ thế này. Nếu cô gái nào đến tuổi cập kê, muốn được rủ đi chơi thì sẽ tự làm một cái “điện thoại” như thế, một đầu cô để ở đầu giường buồng ngủ của mình. Một đầu cô để dưới chân nhà sàn, chàng trai muốn rủ cô đi chơi thì cầm một đầu ống bơ rồi gọi cô, hẹn cô đến một nơi nào đó. Nếu cô ưng, cô đồng ý thì cô sẽ tới điểm hẹn để gặp. Ngày nay, không còn duy trì tục đó nữa vì đồng bào cũng ít nhiều có điện thoại, trò chơi nơi chợ phiên này chỉ là mô phỏng tục xưa ấy mà thôi.

Còn nhiều, còn nhiều những thứ độc đáo khác diễn ra ở chợ phiên, tất cả đều lọt vào ống kính của Khoa, cậu háo hức chụp những bức ảnh đa sắc mầu ở nơi đây. Thấm thoắt mà cũng đến 10 giờ, đến giờ hẹn với hai chị Khánh Linh – Thu Huyền dưới bãi gửi xe, gửi ngựa để ra về. Khoa tiếc rẻ trở lại lối cũ khi chợ vẫn chửa tan.

Rồi Khoa lại đến đoạn dốc lên đồi lúc ban nẫy, cậu đi qua chỗ chị người Nùng bán nấm vừa rồi, cậu mỉm cười chào chị, chị cũng vừa đung đưa lưng mình ru em bé vừa cười chào lại cậu. Rồi Khoa giật mình vì tiếng gọi to:

– A, người miền xuôi đây rồi, người miền xuôi xuống đây rồi. Người miền xuôi để tao chờ lâu quá, tao muốn đi uống cái bát rượu ngô cay nồng lắm rồi.

Khoa nhận ra người vừa gọi, vừa vỗ vỗ vào hai vai mình chính là anh chàng người Tày bán con dúi đựng trong bao tải dứa lúc ban sáng mới lên đây. Khoa ngớ người hỏi lại:

– Ơ thế anh chưa bán xong con dúi à?

Anh chàng người Tày một tay dắt vợ, một tay cầm bao tải dứa, nhe răng cười:

– Tao chờ cái người miền xuôi xuống trả tiền con dúi cho tao mà. Trả tiền xong thì tao mới có tiền đi mua cái bát rượu ngô chứ.

Khoa kinh ngạc vô cùng:

– Ô, em có định mua dúi của anh đâu?

Người Tày xị mặt buồn:

– Cái bụng của người miền xuôi không tốt rồi. Vừa nẫy người miền xuôi bảo là lên chợ hỏi xem tiền rượu bao nhiêu rồi xuống đây trả cho tao mà. Tao đã hứa bán cho người miền xuôi, nên tao không bán cho người khác, tao vẫn chờ người miền xuôi mà. Vậy mà bây giờ người miền xuôi lại không mua nữa là thế nào. Người miền xuôi nói dối tao, nói dối đồng bào. Cái bụng của người miền xuôi không tốt. Tao không bán cho người miền xuôi con dúi rừng này nữa đâu. Người miền xuôi đi đi.

Nói xong, chưa để cho Khoa nói câu gì, anh chàng người Tày một tay xách bao tải dúi, một tay kéo vợ đi xuôi xuống chân chân đồi, khuôn mặt buồn không bút nào tả xiết. Lại đến phiên chợ sau, 1 tháng nữa, anh mới được uống bát rượu ngô cay nồng, được say lả tả đến nhìn một ông mặt trời thành hai ông mặt trời.

Khoa thất thần. Đúng, vừa ban nãy chính cậu đã nói là sẽ lên chợ hỏi xem tiền rượu hết bao nhiêu rồi xuống trả tiền cho anh dân tộc Tày. Cậu không ngờ, lời nói đùa ấy lại được đồng bào hiểu như một lời giao hẹn, một định ước, một cuộc mua bán thành công. Khoa không hiểu là đúng thôi. Bởi cậu dùng lòng miền xuôi đo lòng miền ngược. Sai là sai ở chỗ đó. Khoa ngượng với chính bản thân mình, với anh chàng người Tày, và với đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Lững thững đi về bãi gửi xe, Khoa định bụng nói chuyện này với hai chị, đó là một trải nghiệm rất lớn đối cuộc đời của Khoa. Nhưng chưa kịp hỏi thì thấy chị Khánh Linh hớt ha hớt hải chạy từ bên trong bãi gửi xe ra phía cổng nhìn Khoa bằng ánh mắt lo lắng:

– Khoa, Khoa, em có nhìn thấy Huyền đâu không?

Khoa lắc đầu đáp:

– Không, em không nhìn thấy, em chơi trên chợ từ sáng tới giờ, giờ mới về đến đây.

Khánh Linh đi đi lại lại, cầm chiếc điện thoại hoàn toàn không có một vạch sóng trên tay, trên màn hình điện thoại còn hiện tên cuộc gọi vừa gọi “Thu Huyền” cả chục lần, cô lẩm bẩm một mình:

– Quái lạ! Nó đi đâu nhỉ? Vừa rồi còn cùng mình mua một quần áo của người Mông. Thôi chết rồi, không lẽ ……….. Huyền nó bị bắt đi theo tục …… cướp vợ của người Mông?

Mặc dù Khánh Linh nói khá nhỏ nhưng Khoa vẫn nghe tiếng, cậu thốt lên:

– Cướp vợ???

Khánh Linh gật đầu trong sự lo lắng của Khoa. Cô tự nghĩ trong đầu: “Chẳng lẽ cái Huyền nó “bấn” đến như vậy rồi sao?”

— Hết chương 8 —​