Truyện Ma 12h Đêm – Oan Hồn Xóm Nhỏ

Thông Tin Truyện

Tên Truyện: Truyện Ma 12h Đêm – Oan Hồn Xóm Nhỏ

Tác Giả : Đang cập nhật

Danh Mục: Truyện Ma

Thể Loại:

Lượt Xem: 106 Lượt Xem

(Đây là truyện đầu tay của em, viết dựa trên một chuyện có thật mà em từng chứng kiến. Mong được các bác góp ý để rút kinh nghiệm cho những truyện sau. Thanks! )

12H_dem

Sáng nay cô chủ nhà sang phòng trọ tôi, mặt xám ngắt, hổn hển kể:
– Tối qua hai ba con đi đám cưới nhà bà dì ở Bình Thạnh, tao ngủ một mình trên gác, sợ quá tụi mày ơi.
Cô thì thào:
– Tao gặp ma chúng mày ạ.
Tôi và con Trang hoảng sợ xúm lại hỏi: Cô thấy những gì kể tụi con nghe với ?
– Đi uống cafe với mấy bà trong cơ quan xong, khi về tao lên gác ngủ cho mát. Tầm khoảng 2 giờ sáng, nửa tỉnh nửa mơ tao thấy có tiếng giầy gõ lộp cộp trong phòng. Cứ tưởng hai ba con về khuya nên yên tâm ngủ tiếp. Nhưng tiếng giầy cứ khua mãi không ngừng rồi dừng ở cuối giường. Tao tưởng ông xã đang cởi giầy lên giường ngủ, mở mắt tính cằn nhằn việc ông phá giấc ngủ. Eo ơi, khi mở mắt thì…- Cô rùng mình ớn lạnh khi nhớ lại – Không phải ông xã mà là một bóng đen cao to đứng cuối giường, đang nhìn trừng trừng không nói một câu nào. Tao hoảng quá tính la lên nhưng toàn thân cứng đờ không nhúc nhích được, miệng ú ớ không thành tiếng.
– Rồi thế nào cô ? – Cả hai đứa hồi hộp theo dõi.
– Thấy thế hoảng quá, ú ớ một hồi rồi lịm người đi, đến khi tỉnh dậy thì đã 5 giờ sáng, không còn thấy gì nữa.
Nghe xong, con Trang cười xòa: Không ma tà gì đâu cô ơi. Cô mệt mỏi lại thêm mất ngủ, có lẽ là bị bóng đè rồi tưởng tượng vậy thôi chứ ma quỷ làm gì có. Rồi nó dùng một mớ kiến thức khoa học lí giải hoạt động của bộ não như thế nào, việc tái tạo hình ảnh trong mơ ngủ ra làm sao. Nó kết luận những hiện tượng đó chỉ là sản phẩm do bộ não con người tạo ra chứ trên đời không hề có thần thánh, ma quỷ. Tôi thì khác, tôi tin là có ma quỷ thật, chuyện cô chủ nhà chưa biết thực hư thế nào, nhưng ma tà thì đúng là tôi đã từng chứng kiến rồi. Bây giờ nhớ lại vẫn còn dựng tóc gáy.
Nhà tôi chuyển từ quê vào vùng đất Tây Nguyên khi tôi đang học năm lớp sáu. Cả xã có vài chục hộ dân nằm rải rác ven con đường đá ngoằn nghoèo, um tùm lau sậy. Nhà tôi ở cạnh nhà bác tên Trường, làm thợ rèn, mọi người vẫn quen gọi là Trường Rèn. Nhà bác có bảy người con, đứa nào cũng khôn ngoan, mạnh khỏe, duy nhất chỉ có cô thứ hai tên là Nhì thì bị ngớ ngẩn. Hai mươi hai tuổi rồi mà ngây ngô như đứa trẻ con. Một hôm cả nhà đi làm rẫy hết, một mình chị ở nhà. Thấy người ta hay bắt cóc làm thịt cho trẻ ăn, chị bắt chước bắt mấy con ở góc nhà làm thịt. Chị ngờ nghệch không biết, ăn luôn cả tùm gan và trứng. Đi làm về, mọi người thấy chị nằm co giật trên giường, vội đưa đi bệnh viện huyện nhưng không kịp. Đám tang của chị diễn ra chóng vánh, rồi cũng không ai quan tâm gì đến con Nhì dở người nữa.
Bẵng đi hơn một tuần. Bữa đó tôi đi học về, gần tới nhà thì thấy đám đông lố nhố đứng ngoài đường ngay cổng nhà tôi. Họ đang chỉ trỏ vào nhà bác Trường. Tôi rẽ đám đông đi vào nhà. Bỗng bên nhà bác Trường có tiếng ré lên, tiếng gào thét thảm thiết. Giật mình nhìn sang, tôi thấy chị Ba, em chị Nhì, lao ra sân tóc tai rũ rượi, mắt trợn ngược, hoa chân múa tay, miệng liên tục gào rú ghê rợn. Đám đông đứng ở cổng chạy dạt ra xa nhìn không dám tới gần. Tôi là đứa con gái khá lì lợm gan góc, vậy mà nhìn cảnh này cũng bủn rủn chân tay, mặt tái nhợt, chỉ sợ chị Ba nhảy bổ qua hàng rào túm lấy mình. Hôm đó ba đi làm vắng, chỉ có mẹ ở nhà. Mẹ kéo tôi vào góc bếp thì thầm: con Nhì nó về nhập vào con Ba, lồng lộn từ sáng tới giờ mà không biết nó đòi gì. Hai mẹ con sợ lắm, nhưng tò mò nên hé cửa nhìn ra. Vẫn đứng giữa sân, chị Ba hết múa may, gào thét lại cười khanh khách, cử chỉ điệu bộ y như lúc chị Nhì còn sống. Gần nửa tiếng sau, bỗng chị ngã vật ra đất ngất lịm đi. Cả nhà bác Trường vội ra khiêng chị Ba vào xoa bóp cho hồi tỉnh.
Cứ như thế, khoảng vài ba ngày chị Ba lại bị ma nhập làm cả xóm náo loạn, hoang mang. Một hôm bác Trường sang nhà kể chuyện, vẻ mệt mỏi:
– Khổ lắm. Cứ vài ngày nó lại về hành con Ba. Nhưng mà cũng tội lắm. Đôi lúc nó về cứ khóc ròng bảo đói quá chả có gì ăn. Bao nhiêu đồ thờ cúng bị những đứa khác giật hết. Nó bảo thèm thứ gì tôi mua thứ đó, lần nào cũng ăn hết sạch.
Ba tôi không mấy tin ma cỏ nên ậm ờ ngồi nghe chuyện không bình luận gì. Chỉ có mẹ con tôi là há hốc mồm hóng chuyện.
– Thế nó còn kể chuyện gì nữa không bác ? – Mẹ tôi hỏi.
– Có bữa sau một hồi khóc lóc nó bảo bố mẹ phải cẩn thận chứ không mấy con heo bị mất trộm đấy. Nó về tầm khuya thấy mấy thằng ăn trộm đang rình mò ở chuồng heo, nó lùa cho heo lồng lên, bọn trộm sợ quá bỏ chạy. Tôi ra coi thì đúng là có nhiều dấu chân lạ xung quanh chuồng.
Đang trò chuyện thì thằng út nhà bác sang báo: chị Ba lại đang nói lảm nhảm. Bác vội lật đật chạy về, lần nào cũng chỉ có bác khuyên nhủ vong mới nghe.
– Cái này cũng chỉ là một trạng thái thần kinh nào đó thôi chứ ma mãnh cái gì. Ba tôi hớp một ngụm trà chậm rãi nói.
– Thế thì con bé Ba làm sao nó biết được những chuyện như bác Trường kể chứ ?
Ba tôi có tiếng là gan góc, hồi trước ở quê, các vụ tự tử hay chết trôi dưới sông mọi người ghê sợ thì ba tôi đều xắn tay giúp đỡ. Ba luôn tin người chết là hết, những chuyện vong hồn, ma quỷ chỉ do con người tưởng tượng ra. Ngược lại, mẹ tôi hay đi chùa chiền, cúng bái nên luôn tin có thế giới tâm linh huyền bí nào đó. Vì vậy những câu chuyện như thế này thì ba mẹ luôn tranh luận không có hồi kết.
Vong chị Nhì ngày nào cũng về, có khi chẳng nói chẳng rằng đập phá hết đồ đạc trên ban thờ. Càng ngày càng hung hăng, đòi hỏi đủ thứ. Công việc gia đình bị xáo trộn, chị Ba ngày một vàng võ, hốc hác do bị vong hành liên tục. Thấy khuyên nhủ không được, bác Trường âm thầm đi mời thầy cúng về yểm bùa. Ông thầy thứ nhất đến nhà quan sát một hồi rồi xin phép về, lắc đầu không dám nhận làm. Ông thầy thứ hai là người Nùng, bác Trường phải lặn lội hơn ba mươi cây số, tới nhà năn nỉ mãi ông mới chịu tới giúp. Hôm ông làm lễ, cả xóm xúm vào xem. Ông đem tám cái cọc tre, bên trong có tờ giấy màu vàng vẽ bùa loằng ngoằng và vài thứ vỏ cây lạ, đóng xung quanh nhà. Xong xuôi ông lập đàn cúng bái gần một tiếng.
Cả ngày hôm đó nhà bác Trường căng thẳng theo dõi xem vong có về nữa không. Ngày thứ hai, ngày thứ ba hoàn toàn yên ả. Mọi người vui mừng như trút được gánh nặng. Nhưng đến ngày thứ tư thì thật khủng khiếp. Khoảng mười một giờ trưa, nhà tôi đang ăn cơm thì thấy bên nhà bác Trường náo loạn cả nên. Vong về dữ tợn, mắt long sòng sọc, tay vớ lấy thanh gỗ vụt tới tấp mấy đứa em, bác Trường vào can cũng bị xô ngã, đầu đập vào cột nhà. Vong gào thét những âm thanh kì quái, ghê rợn, hơn một tiếng sau mới chịu rời khỏi chị Ba bỏ đi. Mẹ con tôi sợ rúm người, chỉ có ba sang hỏi thăm, giúp đỡ.
Hai ngày sau bác Trường cắm biển bán nhà, dọn đồ sang huyện bên cách đây gần năm mươi cây số. Chỉ có người nơi khác chứ xung quanh thì không ai dám mua căn nhà này. Vài tháng sau cỏ dại đã mọc um tùm, ngôi nhà trở nên hoang hóa, điêu tàn. Dần dà mọi người cũng quên chuyện nhà bác Trường.
Một buổi chiều, tôi với ba đang ngồi xem ti vi. Mẹ từ nhà hàng xóm hớt hải chạy về:
– Anh, anh…thằng Hân xóm bên nó nói trưa nay nó nhìn thấy con Nhì.
– Sự thể là như thế nào ? Chắc nhìn gà hóa cuốc. Xóm này lắm chuyện nhảm quá.
– Thật mà. Mẹ tôi nghỉ lấy hơi rồi kể. Trưa qua nó đi tìm cây nhân trần về làm thuốc. Ngó quanh thì thấy vườn phía sau nhà bác Trường, dưới tán cây điều cây này rất nhiều. Mừng quá, cứ thế nó vào nhổ. Bỗng thấy một quả điều rớt vào lưng, mải việc nó không để ý gì. Đến khi thấy liên tục ba, bốn lần điều rớt vào người, nó ngước lên cây điều thì hỡi ôi…
– Thấy ma chứ gì ? – Ba tôi nhếch mép cười bình thản như không.
– Đúng. Thằng Hân thấy con Nhì đang ngồi vắt vẻo trên cây miệng cười nhăn nhở. Nó hoảng quá, hồn vía lên mây lao thẳng một mạch về nhà. Mãi chiều nau nay mới hoàn hồn kể chuyện cho mọi người. Giờ khắp người nó đầy vết gai cào, rách hết da thịt. Nó bảo lúc đó cứ thế lao đi, không biết gì, giờ mới thấy đau rát. Nhà nó giờ đầy người ngồi nghe chuyện kìa. Anh không tin thì sang đó mà xem.
Chuyện chú Hân nhìn thấy ma lại làm xôn xao xóm nhỏ, đi đâu người ta cũng râm ran bàn tán. Đàn bà, trẻ con sợ sệt, trời nhá nhem tối là không dám bước ra khỏi nhà. Đoạn đường ngang ngõ nhà tôi và nhà bác Trường vắng tanh, nhiều người rất sợ đi ngang qua vào buổi tối. Mẹ con tôi thì khỏi nói rồi, tối nào cũng đóng cửa sớm lên giường ngủ, chỉ có mình ba xem ti vi tới khuya.
Một hôm, khoảng bảy giờ tối, trời mưa lâm thâm, cả nhà tôi đang xem thời sự, bỗng nghe thấy tiếng nhốn nháo ở ngoài ngõ. Cả nhà ra xem thì thấy mọi người đang tìm cách khiêng bác Minh về. Họ bảo vừa tới đây thì thấy bác Minh nằm gục bên vũng nước, lay mãi không tỉnh, có lẽ bị trúng gió. Ba tôi cũng phụ một tay đưa bác về nhà. Sau một hồi sơ cứu, cạo gió bác dần hồi tỉnh. Mọi người yên tâm ra về. Nhưng đến ngày hôm sau, bác Minh vẫn chưa tỉnh hẳn. Khi tỉnh mắt nhìn quanh, dáo dác, hốt hoảng, miệng ú ớ không nói được thành lời, rồi lại lịm đi mê man. Vợ con đưa ra bệnh viện huyện gần một tuần bác Minh mới đỡ. Hôm bác từ bệnh viện về cả xóm kéo nhau sang tham hỏi. Chiều hôm ấy tôi cũng theo ba sang nhà bác. Giọng bác vẫn còn yếu:
– Ở gần xóm nhưng chuyện nhà chú Trường tôi chẳng mấy quan tâm. Phải đến cái hôm ấy tôi mới tin đấy.
Mọi người im bặt lắng nghe. Rít một hơi thuốc bác kể:
– Hôm đó trời mưa lành lạnh, tôi thịt một con gà, nổi hứng làm vài li rượu. Hũ rượu chuối hột đã cạn, chắt được hai li nhỏ thì hết. Tôi xách can rượu đi bộ tới nhà thằng Định mua. Trời đang tối dần, đứng gần mới rõ mặt người. Đường vắng không một bóng người. Lúc tới gần nhà chú Trường tôi thấy có bóng người cứ lui cui, bắt con gì ven đường. Trong lòng nghĩ: xóm mình ai cũng khiếp cái nhà hoang ấy thế mà có người còn đứng ở đó giờ này thì gan thật. Gần tới nơi tôi thấy một người mặc áo mưa, trên tay cầm một con cóc, tay kia đang huơ huơ rình chộp con khác dưới mặt đường. Tôi buột miệng nói đùa: này, bắt cóc ăn thịt không sợ bị chết giống con Nhì à ? Người đó ngẩng đầu lên: Bác Minh à, cháu là Nhì đây mà, cho cháu nhậu với nhá. Tôi cười khẩy: tao tần này tuổi đầu rồi mà còn nhát ma tao à ? Người đứng xích lại gần tôi hơn, vạch cái áo mưa ra cho hở khuôn mặt: bác không nhận ra cháu à. Trời ạ!
Bác Minh ôm ngực thở, lấy hơi kể tiếp:
– Đúng là khuôn mặt con Nhì rõ một một. Nó ngoác miệng cười, nhe hàm răng trắng ởn. Tôi ngã rụi xuống đường, ngất đi không biết gì nữa.
Mọi người nghe xong, ai nấy xanh xám mặt mày. Khi đi về tôi bám chặt tay ba, tay chân quýnh quáng. Xóm tôi sau chuyện bác Minh kể thì bao trùm một không khí hoảng sợ đến kinh người. Xóm đã vắng người giờ lại thêm thê lương, ảm đạm.
Thế nhưng với ba tôi thì vẫn còn nghi hoặc, ba vẫn cho là ảo giác, ảo thanh. Trong khi mọi người sợ sệt thì ba vẫn điềm nhiên như thường, vẫn thức khuya xem ti vi, đi sớm về khuya không chút bận tâm dù sống ngay cạnh ngôi nhà ma ám.
Một tối tôi thức giấc, nhìn đồng hồ chỉ mười một giờ hai mươi. Không thấy mẹ nằm gần, tôi lò dò ra ngoài phòng khách. Chợt thấy cả ba và mẹ đang nhìn qua cửa sổ ngó sang căn nhà hoang. Tôi cũng mon men lại gần nhìn theo. Trời, ở bên đó có ánh điện. Thấy tôi dậy, mẹ kéo tay tôi ngồi vào ghế.
– Điện bật từ chín giờ tối, không biết người hay ma bật – Mẹ tôi thì thào.
– Chắc mấy thằng nghiện hút ở đâu ghé vào ngủ thôi – Ba tôi trấn an.
– Xóm mình thì làm gì có đứa nào nghiện hút.
– Em không biết à. Đám con ông Khôi nó nghiện từ ngoài quê, vào đây vẫn đem theo hàng để chích choắc đấy. Cứ để anh sang xem là biết ngay.
Mẹ tôi đứng phắt dậy níu tay ba:
– Anh đừng có dại mà đụng vào ma cỏ. Nó vật cho chết chứ chẳng chơi.
Ba tôi đã quyết thì không ai ngăn được. Ba với tay lấy con dao góc bếp, phăm phăm bước qua hàng rào tiến về ngôi nhà hoang, mặc cho mẹ tôi đang kinh hãi nhìn theo.
Hơn mười phút sau thì ba về nhà. Tay vẫn cầm con dao nhưng run bần bật. Mặt nhợt nhạt như kẻ chết đuối. Mẹ hỏi han dồn dập nhưng ba không nói câu nào. Ba lại gần tủ lấy can rượu ra uống vội vài chén, ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Mẹ biết tính ba nên kéo tôi vào ngủ không hỏi thêm gì nữa. Từ bữa đó ba tôi tối nào cũng uống rượu rồi lên giường ngủ sớm.
Hơn một tháng sau, cả xóm ngỡ ngàng khi thấy có một cặp vợ chồng với hai đứa con nhỏ dọn đến ở. Họ phát quang cây cối, làm sạch vườn tược, sửa sang lại nhà cửa tinh tươm. Vài ngày sau chủ nhà mới sang nhà tôi làm quen. Chú tên là Đô, ở quê mới vào. Ba tôi hỏi chú có nghe kể gì về ngôi nhà này chưa. Chú cười đáp:
– Em nghe rồi nhưng em vẫn mua. Trừ ma quỷ là nghề của dòng họ em mà. Thấy em đến là nó khiếp vía thôi.
Ba tôi trợn mắt kinh ngạc. Mấy ông thầy có tiếng đến còn bất lực mà một tay trẻ măng thế này lại “thâm hậu” đến thế ư. Hiểu được ý ba tôi, chú Đô kể:
– Họ nhà em ba đời làm pháp sư anh ạ. Đến đời bố em và em là không duy trì tiếp nhưng sách vở vẫn cất giữ. Chỉ khi nào cần thiết lắm mới đem ra dùng.
– Thế từ bữa chú về có dùng bùa phép trấn yểm gì không mà không thấy nó về dọa nạt, phá phách ? – Ba tôi hỏi.
– Em chưa làm gì hết, em chỉ đặt chiếc gương cổ truyền từ nhiều đời của họ nhà em lên ban thờ là đã yên rồi. Tối hôm đầu tiên ngủ ở ngôi nhà mới này, em mơ thấy có con bé mặc áo hoa đỏ đứng ở ngoài cổng khóc và nói: chú làm ơn hạ chiếc gương xuống cho cháu vào thăm nhà một lần cuối rồi cháu đi, cháu hứa không bao giờ quay lại nữa. Hôm sau em úp chiếc gương xuống, lúc sau thì thấy một con bướm đen to bằng hai bàn tay lượn trong nhà vài vòng rồi biến mất.
– Thú thực chưa bao giờ tôi tin có ma quỷ. Nhưng cách đây hơn một tháng tôi tận mắt chứng kiến và tin là có thật.
– Tối hôm ấy anh thấy gì mà hỏi mãi không nói ? Mẹ tôi chen vào câu chuyện.
– Bây giờ chú đuổi được nó đi tôi mới dám kể. Tối đó cả nhà tôi nhìn sang thấy bên nhà hoang đèn bật sáng. Tôi không tin có ma nên sang xem thử. Rón rén tới gần cửa ghé mắt vào. Một cảnh tượng mà tới giờ tôi vẫn còn kinh hãi. Một đứa con gái ngồi giữa nhà, mặt quay vào trong đang chải tóc. Nó mặc bộ đồ ngủ hoa màu đỏ, đúng là bộ trước khi chết con Nhì mặc. Thần kinh tôi cực kì vững để không gục ngã tại chỗ, cố lết về nhà. Từ đó tối nào tôi cũng uống rượu để quên đi hình ảnh khiếp đảm đó.
– Giờ anh yên tâm đi, nó đã bỏ đi rồi – Chú Đô tươi cười.
Chiều đó ba tôi và chú Đô ngồi nhậu, trò chuyện tâm đầu ý hợp. Cả nhà tôi thở phào nhẹ nhõm, xóm làng bình yên trở lại, không còn cảnh lo sợ mỗi khi trời tối như trước nữa.

Nguồn Voz