Đặc khu mười ba và ông thần đèn
Thông Tin Truyện
Tên Truyện: Đặc khu mười ba và ông thần đèn
Tác Giả : Đang cập nhật
Danh Mục: Truyện Teen
Thể Loại: truyen teen
Lượt Xem: 219 Lượt Xem
PHÓNG VIÊN CÚN đang trên đường về nhà sau một ngày chạy tin đến rụng cả chân. Ánh đèn cao áp phản chiếu cái bóng siêu vẹo vì mệt mỏi của cô xuống mặt sân vui chơi khu tập thể Đặc khu mười ba.
Chỉ còn chục mét nữa là cô sẽ về đến ngôi nhà thân thương, nơi có bữa ăn cực ngon, cái bồn tắm cực ấm và chiếc giường cực êm đang chờ. Lẽ ra mình nên viết cho một tờ báo về Phụ nữ mới đúng, Cún thầm nghĩ. Ngày đầu tiên bước chân vào Đại học, cô đã mơ ước trở thành một phóng viên mảng xã hội và gia đình, thay mặt những người phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu đuối, và cả phụ nữ nghèo yếu đuối nói lên suy nghĩ của họ. Thế nhưng giờ cô lại làm việc cho một tờ báo chuyên ngành kinh tế, sau khi đã bị tất cả các tờ báo xã hội khác từ chối.
“Lạm phát, khủng hoảng, xăng tăng người tụt, nghèo đói, sóng thần…” đã trở thành những từ ngữ thân quen với cô đến độ len lỏi cả vào những giấc ngủ mộng mị của cô, ám ảnh lên những bữa ăn tối đắt đỏ và làm thế giới xung quanh cô toàn một màu xám xịt.
“A, con Cún nhà ông Cẩu về rồi! Mọi người chờ cháu mãi đấy!”. Ông Quy tổ trưởng tổ dân phố bỗng dưng từ đâu nhảy bổ ra khiến cô giật mình suýt đứng tim, hệt như mỗi lần nghe tin xăng tăng giá.
Nhà Cún hôm nay đông khách đột xuất. Hầu hết các nhân vật “máu mặt” của Đặc khu mười ba đều đang yên vị trong phòng khách, thần sắc ai nấy cũng rất đăm chiêu, suy nghĩ.
***
Đặc khu mười ba vốn là một khu tập thể lâu đời, được xây từ thời kỳ nhạc Boney M vẫn còn xập xình trong các đám cưới và đám ma. Qua sự tàn phá phũ phàng của thời gian cùng những tòa building chọc trời mọc lên xung quanh, móng của nó ngày càng yếu đi như răng người già, rụng lúc nào chẳng hay. Hậu quả là đến bây giờ khu nhà đã nghiêng đến mười lăm độ. Oái oăm thay, nó lại có xu hướng đổ xuống sân bóng phía dưới. Nơi đó, mỗi chiều vẫn có hàng chục thanh niên đá bóng trúng bát cháo của các bà các cô đang bón cho thế hệ tương lai. Nơi đó, các đôi trai gái tâm sự với nhau bằng thơ tình mỗi đêm trăng sáng và bằng tiếng chụt chụt choạp choạp những đêm trăng tối. Nơi đó, các cháu thiếu nhi hồn nhiên chơi con giống trước khi đủ tuổi chuyển “phỏm” sang Game online.
Bình thường cũng chẳng ai muốn quan trọng hóa vấn đề đâu, họ cho rằng còn lâu nó mới sập. Hơn nữa, ai cũng nghĩ khắc phục công trình là trách nhiệm của chính quyền, chẳng đến lượt dân đen như mình xía vào. Chỉ tại cái tòa nhà năm tầng ở phố Huỳnh Thúc Kháng đợt vừa rồi đang yên đang lành lại “ngã sóng soài” không một lời báo trước. Từ ấy dân tình cứ sồn sồn như cô hồn được hóa kiếp. Sáng mở mắt ra đọc báo đã thấy cảnh báo chất lượng các tòa nhà cũ, rồi thì phát hiện ra bao nhiêu là công trình bị nghiêng, bị lún, trong khi trước nay đầy cái nhà nó nứt toác từ tầng một lên tầng mái mà có thấy các ông nói năng gì đâu.
***
“Thế cụ thể là bây giờ các chú, các bác muốn cháu phải làm gì ạ?”. Cún ngao ngán, cố kìm một cái ngáp sau khi nghe Quy trưởng lão trình bày một mạch các vấn đề mang tầm vĩ mô liên quan đến sự sống và cái chết của toàn thể cư dân Đặc khu.
“Cô mang tiếng là nhà báo mà nắm bắt chậm nhể? Dĩ nhiên là chúng tôi muốn cô viết một vài bài lên báo, để chính quyền và dư luận để mắt đến chúng ta, mà giúp đỡ việc khắc phục sự cố nghiêng nhà chứ sao”. Ông Quy phẩy tay.
“Nhưng cháu viết cho báo Kinh tế chứ không phải Xã hội”. Cún thật thà đáp.
“Thế tôi hỏi cô, nhà cứ đổ ầm ầm thì kinh tế có ảnh hưởng không?”. Anh Tuất bán thịt chó dưới tầng một lên tiếng. “Hay là bởi vì không có “hàng khủng, lộ ngực, nút để bảo vệ môi trường” nên báo chí các cô không thiết?”.
“Sao các bác các chú không liên hệ trực tiếp với Phường để họ tìm hướng khắc phục?”.
“Ối dời!!!”. Tất cả đồng thanh như bản đồng ca mùa hạ. “Có mà chờ đến lúc nhà sập xuống rồi họ đến khắc phục một thể”.
“Thế rốt cục bây giờ cô có giúp đồng bào hay không? Hãy nhớ rằng giúp đỡ mọi người là cô đang giúp chính mình đấy”. Ông Quy triết lý.
Phần vì không muốn kéo dài cuộc tranh luận vô bổ với các tiền bối, phần cũng vì “muốn giúp chính mình” nên Cún quyết định gật đầu bừa cho xong chuyện.
***
Không phải Cún vô trách nhiệm với xóm làng, cũng chẳng phải cô không đủ khả năng cho cả xóm lên báo. Chỉ là cô đã sống cùng những con người này quá lâu đến mức hiểu thấu tâm can họ. Rặt một lũ ngồi lê đôi mách, vô tích sự, chỉ hô hào chém gió là giỏi. Những người thực sự quan tâm đến tình hình của khu nhà đã chạy ngược chạy xuôi từ lâu lắm rồi, chứ còn chờ mấy ông này thì đúng là nhà sập vẫn chưa làm xong cái đơn đi gửi chính quyền.
Tuy vậy, Cún vẫn liên hệ với anh Tỉn, phóng viên Thời báo Chim Bìm Bịp – bạn thời Đại học của cô. Sau một hồi nghe Cún thông báo tình hình, anh ta lao ngay đến như vừa uống hết một chai rượu bìm bịp.
Anh được ông Quy tiếp đón rất nồng nhiệt bằng ấm trà thượng hạng mà ông chỉ dùng để đãi khách quý. Chẳng biết anh nhà báo uống trà có ngon không nhưng nếu ai nhìn thấy cảnh anh phải ngồi bệt dưới sàn nhà hơn ba tiếng đồng hồ để nghe ông Quy trình bày suốt từ thời tiền sử cho đến ngày tận thế mà mãi vẫn chưa vào được chủ đề chính, chắc cũng phải thấy ái ngại. Vậy mà mặt anh chẳng biến sắc, cũng không ngáp ruồi lấy một cái. Ấy là nhờ cô con gái mười bảy tuổi phổng phao, mơn mởn của ông Quy cứ chốc chốc lại lon ton chạy ra rót trà cho anh nhà báo. Khổ cái trời lại đang mùa hạ nóng bỏng, đâm ra con bé chỉ mặc mỗi cái áo hai dây trễ cổ và cái quần nếu ngắn nữa chắc sẽ bị quy kết cho cái tội “bảo vệ môi trường”. Vợ chồng ông Quy hiếm muộn, mãi đến năm ông năm mươi tuổi mới đẻ được đứa con gái, nên ông chiều nó lắm. Con bé lớn lên chẳng giống bố tý nào, được cái ngoan, chỉ thi thoảng cãi láo phụ thân, chửi hàng xóm và ăn mặc nhố nhăng. Đợt vừa rồi nó bị triệu tập lên Công an để làm rõ một vụ “Clip nữ sinh tụt quần nhau giữa phố”, may là nó chỉ được đề cử giải Nữ diên viên phụ xuất sắc nên không bị truy tố, chỉ thông báo về cho nhà trường và gia đình quản lý.
Nhờ sức mạnh của trà hảo hạng và ngực thiếu nữ nên đúng canh tư gà gáy hôm sau, tờ Chim Bìm Bịp số mới nhất đã chềnh ềnh ngay trang nhất cái tít to vật vã: “Kinh hoàng nhà chung cư nghiêng sáu mươi độ”. Chưa bao giờ thấy cư dân Đặc khu mười ba háo hức với thông tin đại chúng đến như vậy. Họ ngấu nghiến đọc đi đọc lại, chỉ trỏ và bình phẩm từ cái ảnh to nhất chụp toàn cảnh khu nhà cho đến các ảnh nhỏ có mặt họ. Trong đó có bức hình anh Tuất chụp cùng mấy con chó thui treo lủng lẳng trên móc, phía dưới là dòng ghi chú: “Anh Tuất, đầu tiên từ trái sang”.
Theo ghi nhận của nhóm Phóng viên, khu nhà năm tầng là nơi sinh sống của hơn mười hộ dân đã nghiêng đến sáu mươi độ về phía bên trái. Dưới bầu trời xám xịt đặc quánh mây mù, khu nhà lồ lộ như một cỗ quan tài bê tông chỉ trực chờ chôn sống những con người khốn khổ đang gào thét tuyệt vọng bên trong. Đâu đây tiếng chim ăn xác chết, tiếng ruồi kêu rít và tiếng chó sủa thật thê lương càng khiến bầu không khí thêm căng thẳng. Trích nguyên văn từ bài báo.
Bài báo còn chưa kịp nguội, mấy hôm sau đã thấy anh Bông nhạc sĩ ở tầng ba tìm đến Cún. Anh nói mình vừa sáng tác ra một bài hát rất hay về chủ đề thảm họa và muốn nhờ anh nhà báo hôm nọ đăng giúp một bài lên mục văn nghệ. Ghế trên anh ngồi tót sỗ sàng, cầm guitar và bắt đầu phiêu theo phong cách Đại Lung Linh: Ồ yeah. Bà la bà lung. Ồ yeah. Khu nhà tôi là khu nhà tôi ố ồ ô. Nó sắp sập sập ập ập rồi. Bà con ơi chạy mau thôi. Bà bùng bà bùng lá là lá. Chạy mau bà con ơi ơi ơi, nhanh chân lên không bẹp ruột. Đừng tham đồ đạc, đừng tham ố là là tiền bạc. Chạy mau thôi không vữa rơi lòi ruột.
Anh Bông nhạc sĩ là một trong những kẻ vô công rồi nghề mà Cún ghét nhất. Mặc dù là giảng viên của một trường Đại học có tiếng nhưng anh chẳng sáng tác được cái gì ra hồn. Vậy mà lúc nào anh cũng nuôi mộng trở thành nhà sản xuất cỡ bự tầm Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh. Có đợt anh còn giở chứng đi bán hàng đa cấp. Cún vẫn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy, bỗng dưng anh Nhạc sĩ vốn cả đời chẳng mấy khi hỏi thăm, lại niềm nở mời cô quá bộ qua nhà chơi. Hóa ra đó là một buổi “chia sẻ cơ hội kiếm tiền” – cách nói hoa mĩ của bọn bán hàng đa cấp. Anh ta khoác lác về khoản thu nhập hàng chục triệu đồng một tháng của mình, rằng cái này dễ kiếm tiền lắm, chỉ cần em tham gia mạng lưới của anh và kết nối thêm người, càng nhiều càng dễ kiếm lời. Cún từ chối khéo với lý do mình là sinh viên không có tiền đóng phí, nào ngờ anh ta dám gợi ý cô về lừa bố mẹ tiền đóng học. Từ đó cô không bao giờ nhìn mặt hắn nữa. Nhà kinh doanh đa cấp chẳng biết làm ăn có phát đạt không, nhưng vợ anh vẫn phải làm việc quần quật nuôi hai đứa con nhỏ và ông chồng vô tích sự, còn anh vẫn thiếu nợ bún ốc của mẹ Cún.
Nói về những ông nghệ sĩ nửa mùa ở Đặc khu mười ba thì nhiều đến độ bán rẻ mua một tặng năm cũng không hết. Ở tầng hai thì có nhà thơ Sung Văn Sướng, thơ anh và chân anh hôi như nhau. Thế mà có thời anh ta dám “to gan” viết thơ tình tặng Cún: Nửa đêm gà gáy anh nhớ Cún/ Như con chó mực nằm nhớ mèo mun/ Dù cho ngoài trời lạnh đến “ấy” cũng sun/ Nhưng tình này anh nhét cục gạch gửi đến Cún. Suốt một tuần liền sau khi “thưởng thức” những vần thơ này, Cún không dám ra đường một mình lúc trời tối.
Đặc điểm chung của các ông nghệ sĩ này là đều “giao lưu văn hóa” tại quán nước bà Béo đầu ngõ. Hôm nào các nhân tài cũng ngồi gác chân lên ghế, vỗ đùi đen đét chém gió suốt từ sáng cho đến chiều tối. Thế mới biết Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng gió thổi bắn nước bọt tứ tung bên cốc trà đá.
Ngoài ra, những thành phần lưu manh và trí thức, cán bộ với doanh nhân, người hiền kẻ ác, đen và trắng… trộn lẫn vào như một món lẩu thập cẩm khiến Đặc khu mười ba trở thành khu nhà “đa văn hóa”.
***
Thêm vài bài báo nữa xuất hiện, nhiều tiếng kêu cứu thảm thiết từ dưới vực sâu vọng lên. Cuối cùng công sức của họ cũng không uổng. Một ngày nắng vàng rực rỡ, có người đàn ông ngoại quốc xuất hiện, tự xưng là Thần Đèn – người có thể làm cho khu nhà hết nghiêng chỉ trong một tuần.
Thần Đèn có khuôn mặt đen nhánh như chảo mỡ trong bóng đêm. Ông ta cao ba mét và có giọng nói ồm ồm vang xa mười thước. Đột nhiên xuất hiện nơi bậu cửa, ông khiến toàn bộ mọi người sợ hãi, hồn bay phách tán. Trích nguyên văn từ bài báo.
Thực ra ông người Tuốc-nơ-vít-tăng này chỉ cao có mét sáu lăm là cùng. Tên ông là Da-Pha, gần giống tên một loại thuốc trị hôi chân vẫn quảng cáo trên TV. Ông nói dù cách xa hàng mấy nghìn cây số nhưng tiếng kêu cứu của Đặc khu mười ba đã thấu lên trời xanh, đập lại xuống đất rơi đúng vào màng nhĩ của ông, khiến ông phải tức tốc lên đường ngay nhằm kịp cứu giúp những sinh linh đang ngàn cân lệch sóng.
Thần dân Đặc khu mười ba nghe xong mà mát hết cả lòng mề, sung sướng như từ nơi tăm tối bước ra ánh sáng văn minh. Ban đầu lúc ông Thần xuất hiện, mọi người cũng nghi ngờ dữ dội, thậm chí còn đòi “úp sọt” thằng lừa đảo. Nhưng sau khi nghe ông tuyên bố sẽ làm miễn phí thì họ lập tức đón tiếp ông như Backstreet Boys sang Việt Nam lưu diễn.
Chỉ có Cún là đủ tỉnh táo để cảnh giác cao độ gã Thần Đèn từ trên trời rơi xuống. Nhưng “tiếng nói sao át được tiếng chợ”. Những kẻ từng được cô giúp đã trở mặt, giờ họ coi lời nói của cô chẳng ra gì. Với họ, Cún đã trở lại là Cún, một con ranh thích nói leo các cụ.
Đêm trước ngày Thần ra tay, cả khu tập thể dâng thịt chó khao ông. Người mừng nhất chắc là anh Tuất vì đã có dịp “xả hàng” tồn ế cả tuần vừa qua, thảo nào mà suốt bữa nhậu anh không động đũa lấy một lần. Thần ngồi chiếu trên, bên tả là ông Quy, bên hữu là anh Tỉn nhà báo, phía dưới các thần dân ca hát, nhảy múa và chém gió văng hết cả riềng lên trời. Chỉ khổ các bà các chị phải dọn dẹp đến nửa đêm cái bãi chiến trường của các ông.
“Anh Đèn ạ. Anh không biết rằng sự có mặt của anh nó kịp thời và… cần thiết với… chúng tôi đến mức nào đâu hix”. Ông Quy sau khi nâng lên hạ xuống mấy lần đã bắt đầu xỉn. “Tháng trước… hix… có mấy thằng đầu cơ đất đến từng hộ gia đình để mà… để mà đặt vấn đề mua lại cả cái khu nhà này… Bọn nó… nghĩ chúng tôi ngu lắm hay sao? Khu này nằm gần tuyến đường sắp…mở. Lúc đấy giá tăng đến hàng chục lần. Tôi bảo chúng nó là… bao giờ nhà này sập thì bọn tao bán cho chúng mày. Chúng nó tức đến tím mặt mà không làm gì được, muahaaaaaaaa!”.
Bỗng dưng Thần tỏ ra bối rối thấy rõ. “À ừ… Bọn mất dạy. Nhưng các ông các bà cứ yên tâm. Sáng mai tất cả mọi người cứ dọn đồ đi nơi khác ở tạm, đến cuối tuần quay về, tôi đảm bảo mọi người lại có thể yên tâm sống và học tập như thể nhà chưa từng bị lún”. Thần tuyên bố chắc nịch.
Tờ mờ sáng hôm sau, khi mùi rựa mận vẫn còn thoảng trong không khí, thần dân của Đặc khu mười ba lần lượt khăn gói mỗi người một ngả.
Suốt một tuần đó không một ai mảy may ghé qua giám sát công trình, vì đã có anh nhà báo ăn nằm luôn tại chỗ để cập nhật tình hình. Ai muốn biết thông tin cứ chạy ra sạp báo mua ngay một tờ Bìm Bịp phát hành hàng ngày. Thần Đèn và các cộng sự làm việc không kể ngày đêm để kịp tiến độ. Từng đoàn người và voi sử dụng sức kéo thô sơ để kéo thẳng tòa nhà bằng những sợi dây thừng to như cột đình. Những giọt mồ hôi chảy dầm dề dưới cái nắng thiêu đốt không làm nhụt chí họ. Thần Đèn ngồi trên đài sen xây bằng gạch, uy nghiêm và bệ vệ, ông lên tinh thần cho mọi người bằng roi da và những bài hit của Lady Gaga. Trích nguyên văn bài báo.
***
Ngày về cuối cùng đã đến, mọi người háo hức và hồi hộp chờ đến giây phút được chiêm ngưỡng khu nhà thân yêu của họ trở lại thời vẫn còn là một chàng thanh niên hiên ngang với khung xương bằng sắt phi mười sáu. Từ phía xa xa đã thấy từng chiếc xe tải Thành Hưng nối đuôi nhau trở về, khiến nhiều người liên tưởng về một cuộc di dân đến vùng đất hứa.
Đặc khu mười ba dần dần hiện ra trong màn sương sớm, giờ thì người ta đã có thể nhìn thấy nó rất rõ. Khu nhà đã không còn nghiêng nữa, Thần Đèn đã giữ đúng lời hứa, vì bây giờ nó chỉ còn… là đống gạch vụn. Không ai nhìn thấy bóng dáng tên Thần dỏm đâu, nhưng mấy thằng đầu cơ đất thì đang đứng đấy với nụ cười nham hiểm. Một tên trong số đó cao tầm mét sáu lăm, ông Quy thấy thấp thoáng có miếng thịt chó giắt trong răng hắn.