SERI TRUYỆN DÀI – Giờ EM ĐÃ CÓ CHỒNG CHƯA – CỰC HAY

Chương ngoại truyện: ĐÁNH MẤT

Khi bạn đã từng ở một miền quê

Khi bạn nhỏ và lớn lên.

Khi thời đại thay đổi

Chắc chắn rằng, sẽ có một số thứ mất đi vĩnh viễn, một số thứ đang phai nhạt chỉ thỉnh thoảng lâu lâu lùa trong ký ức.

Ông bíp bíp.

Làng tôi ngày tôi còn nhỏ, Mỗi độ chiều về, thỉnh thoảng lại nghe tiếng ông Bíp Bíp. Cho đến bây giờ, Chưa một lần được biết đến tên Ông, đám con nít mỗi lần nghe rộn ràng ngoài đường, bất kể đang chơi gì đó, đều ngưng bặt, giỏng tai lên rồi chạy ù ra .

– Ông Bíp Bíp

– Con chào ông Bíp Bíp

– Ông ơi, Có kẹo không?

Y như rằng mái tóc bạc phơ, một nụ cười hiền hậu sẽ dừng chiếc xe lại, đưa cho đám nhỏ mấy viên kẹo bọc đường rồi lại thong thả đi.

Có lần, Ngoại tôi dặn:

– Thằng Phong ở đằng trước chơi, khi nào nghe thấy tiếng Bíp Bíp thì mời ông vào nhà nhé.

Đoạn rồi, suốt buổi sáng, Tôi không chơi được trò gì ra hồn. Đầu óc toàn để ngoài đường chờ đợi có người mang tiếng quen thuộc tới. Đợi đến trưa trời trưa trật mới thấy bóng dáng ông mời vào nhà.

– Ông Ngoại ơi! Ông Bíp Bíp tới rồi nè – Tôi nói phỏng ra sau vườn

Và chiếc ghế được mang ra, một tấm vải trắng trùm ông ngoại từ cổ đến bụng. Chiếc tăng đơ và chiếc kéo hòa trộn vào nhau, tạo một âm thanh vô cùng thi vị. Thoắt một cái, từng mớ tóc rớt xuống, lùa theo con gió bay xa xa.

Lớn lên. Ông Bíp Bíp thôi không Bíp Bíp. Tôi cũng chẳng bận tâm. Chỉ đến bây giờ khi về quê, thỉnh thoảng lại hoài niệm về quá khứ. Chợt nhận ra rằng, sẽ chẳng còn âm thanh đó tồn tại trên cõi đời này nữa.

Ấy thế mới có chuyện, Tôi mua cái tăng đơ. Mỗi lần tóc con dài. Tôi cũng lấy một tấm khăn trải lên, rồi húi tóc cho nó ngon lành. Hoài niệm

Thứ chẳng còn tồn tại thứ hai là trò chơi thủa bé

Thỏa tôi còn nhỏ. Thời gian được phân định bằng các mùa rõ rệt. Nếu tính năm bắt đầu từ hè, thì lần lượt sẽ là mùa Diều, Mùa dế, mùa lon, mùa quay, Mùa Súng pháo, Mùa Bi, mùa Hình.

Khi nắng chói chang trên đỉnh đồi. Cũng là những cánh diều được dán bằng cơm nguội tung bay. Diều ngày ấy không như bọn con nít bây giờ. Bọn tôi phải lén ra đuôi làng đốn hạ một cây tre trăm đốt, rồi về vót nan làm khung. Dĩ nhiên để làm chuyện này không thể là một cá nhân, mà phải là tập đoàn. Xóm tôi những hơn mười mạng, lớn thì mười hai, nhỏ thì sáu bảy tuổi. Trang bị đầy đủ dao búa, thế nên mỗi lần xong, cả gần hai mươi con diều lộng gió.

Mùa Lon là mùa của tháng tám âm lịch, khi lồng đèn trung thu được làm xong. Đám nhỏ lại sử dụng những ống lon sữa bò làm thành những chiếc đèn kêu đinh tai nhức óc.

Chẳng có ai quy định, sau một thời gian tự khắc mùa chuyển đổi. Bọn con nít ném hoặc cất tất cả và kho, rồi bày ra trò chơi. Đến bây giờ tôi cũng không thể hình dung nổi chuyện đó diễn ra như thế nào, có quy tắc gì không. Đã hỏi biết bao nhiêu đứa bạn người lớn.

– Ê, Mày. Vì sao hồi đó bọn mình chuyển từ Quay qua Súng pháo. Căn cứ trên cái gì?

Dĩ nhiên, Bọn chúng cũng như tôi. Mơ hồ và hoài niệm.

Khi quay đi thì súng pháo lại rộ lên. Súng làm từ căm xe và đầu van xe đạp. Đứa nào có được đầu van xe máy thì thuộc loại nhất đỉnh. Bỏ ít diêm sinh rồi đút một cây đinh vào. Tung lên trời . Khi rơi xuống, phía đầu van có nhét sắt sẽ nặng hơn, rớt trước tạo sức ép cho diêm sinh- Phốt pho nổ thành tiếng đì đùng.

Thời bộ truyện Hecman còn thịnh, Ông Thắng bán cả những tấm hình tương đương tấm thẻ ATM bây giờ in những hình dũng sĩ, rồi hình Songoku- Bảy viên ngọc rồng. Tất cả được đám con nít mua hoặc tận dụng hình cũ. Tất cả có giá trị nguyên bản để quy đổi cả. Bọn con trai háo hức vẽ một cái lò rồi đếm bước chân vẽ mức cách xa khoảng 5-6 m. Trong vòng tròn to bằng chiếc thúng, mỗi đứa con nít đều phải bỏ hình vô. Lúc này là gay cấn nhất, bởi cái khái niệm hình cũ mới xem ra vô chừng. Có giọng một đứa vang:

– Hình mới bỏ ba tấm, hình cũ bốn tấm nha tụi bay!

Lẽ dĩ nhiên, những lần đầu tiên đứa nào cũng ráng bỏ ra những tấm hình vô địch về cũ, sờn mòn cả bốn góc. Những tấm hình đó đã trải qua mấy mùa thương đau, được tạt lên tạt xuống, được cột đi cột lại. Được ngâm trong máy giặt mấy lần. Sự tranh cãi nổ ra, cuối cùng theo số đông, những đứa nào sở hữu hình cũ mèm sẽ phải cống nạp vào vòng thêm một nữa là năm.

Rồi cả bọn lục tục đứng ở vòng quăng dép lên xem ai gần mức được ném trước.

Tôi là chúa ăn gian, Những ngày mang hình theo chơi, Tôi cố gắng nài nỉ ông anh cho tôi được mang đôi dép tổ ong của ảnh đi học. lẽ dĩ nhiên chân cẳng khác nhau, đôi dép cũng khác nhau đồng nghĩa lợi thế hơn khi tạt hình. Cứ đứng hiên ngang ở mức vạch rồi quăng cái vù. Xấp hình được dựng giữa vòng tròn văng ra ngoài bao nhiêu đồng nghĩa người ném được bấy nhiêu. Mấy ngày đầu, bao giờ tôi cũng là thằng chiến thắng được nhiều nhất. Nhưng dần dà, bọn con nít khôn lên. Ai cũng có những ông anh để mượn dép, ruốt cuộc đến khi chơi, đứa nào cũng mang đôi dép tổ ong chà bá lửa lên đi thử sức lợi hại. Chỉ đến khi, thằng Ngoan vác đôi dép của bố nó, khệnh khác đi thì tất cả trật tự mới được quay về như cũ.

Vào độ hè, chẳng kể trai gái đều ra suối đuôi làng tắm. Nhỏ Trà My cực kỳ thích thú với việc đi. Bởi họa hoằn lắm nhỏ mới trốn được. Nhưng mỗi lần ra tới suối, thay vì nhảy ùm xuống Nhỏ lại ngồi trên bờ, ngó trời ngó đất

– Trà My,xuống đây đi, vui lắm

Tôi dụ khị nhỏ. Tất nhiên nhỏ không nghe lời.

Đơn giản bởi nhỏ sợ dơ đồ. Mấy lần đầu tôi bỏ mặc Em ngồi núp sau rặng bình bát, hùa xuống với mấy thằng đực rựa. Sau thấy tội tội, Lén mang mấy củ khoai lang, rồi ra suối nắng chia cho Trà My ăn và nhìn dòng nước với một vẻ mặt đưa đám

Lớn lên, tất cả biến mất. Nhưng điều làm tôi đau lòng không phải là biết mình đã lớn, không còn phù hợp để chơi lại những trò chơi tuổi thơ ấu nữa. Mà là mọi thứ bị xóa sạch bách. Tôi đã cố. Mỗi lần về quê đều tụ tập đám nhỏ lại rồi bày ra, nhưng trái ngược lại với vẻ háo hức của tụi tôi ngày xưa. Bọn nhỏ giờ nghe tôi nói xong liền lẳng lặng về như chưa hề quan tâm.

Bạn nào đã từng có những thứ bị thời gian đánh mất. kể nghe chơi???