Nắng Trong Mắt Ai

Thùy Chi là giáo viên chủ nhiệm lớp của Hùng từ năm ngoái. Ở trường THCS, giáo viên chủ nhiệm sẽ làm phụ trách từ lớp 6 đến lớp 9. Là người xinh xắn nhưng không hiểu vì sao đến tận bây giờ cô vẫn chưa có chồng, thậm chí là người yêu. Cô sống một mình trong căn hộ bố mẹ mua tặng. Từ bấy đến nay, hàng xóm vẫn luôn thấy cô hàng xóm xinh tươi, lễ phép nhưng vẫn đơn bóng một mình. Bố mẹ cô sống ở Úc, cả nhà chuyển sang đó đã lâu, riêng cô là người thích văn và muốn theo nghiệp sư phạm nên nhất quyết không đi mà chọn cho mình cuộc sống ở VN. Sáng nay, lúc va phải người phụ nữ lạ mặt nhìn cực kì phong cách, Thùy Chi bối rối và thấy tay mình run khi nhận lại tập bài kiểm tra từ người lạ đó. Người đó nói giọng Bắc, và thật cá tính. Đôi mắt rất trong và ấm áp. Thật trùng hợp khi gặp lại Linh, tuy cái hoàn cảnh gặp thì chả hay ho gì cho lắm. Phải nói là Linh có kiểu nói chuyện đúng chất Bắc, lịch sự nhưng lạnh lùng. Phải, rất lịch sự, vì chị ấy ra khỏi phòng mới bật điện thoại, nếu là người khác thì đã để điện thoại réo ầm trong lúc trao đổi công việc học tập của con với cô giáo.
Linh về truyền đạt lại những gì cô giáo trao đổi với mình cho chị Bình. Vừa nghe, chị lại cảm ơn Linh và chép miệng. Xong rồi, chị rơm rớm nước mắt, chia sẻ: vợ chồng chị là người ít học, tối ngày kiếm tiền để cho con ăn học tử tế, không biết phải làm sao. L mỉm cười và nói:
– Chị cứ bình tĩnh, Hùng là đứa thông minh. Chỉ tội không tập trung học thôi. Chị để em về đọc lại SGK của em nó, rồi sẽ tìm cách trị.
– Em còn bận đi làm cơ mà, thời gian đâu mà dạy chứ!
– Em đi làm ban ngày, tối về tranh thủ dạy 2 tiếng thôi, không sao, chị cứ bình tĩnh. Rồi Linh quay sang Hùng bảo:
– Bố mẹ lao động vất vả cho em ăn học, em phải cố gắng đền đáp lại bố mẹ chứ! Có chịu học chị không?
Hùng lém lỉnh:
– Dạ em nghe đại ca, nhưng mà chị phải treo giải thưởng cho em có động lực phấn đấu chớ!
– Được thôi. Học tốt là có thưởng ngay.
Chị Bình nhìn Linh cười âu yếm, cảm ơn em nhé, nhờ em đấy. Linh về rồi, chị Bình vẫn còn ngồi chuẩn bị đồ hàng đến khuya. Vừa làm chị vừa nghĩ miên man, sao người tử tế như Linh mà lại bị chồng phản bội chứ. Một con người tốt tính, thật hiếm hoi trong cuộc sống này.
Linh kèm Hùng học cũng đã được một thời gian. Kết quả xem chừng rất khả quan. Cu cậu học hành tiến bộ thấy rõ.
Hình ảnh của Thùy Chi thỉnh thoảng lại xuất hiện trong đầu Linh như dấu hỏi, nhưng công việc rối bù quấn lấy cô, tối về lại kèm Hùng học nên cô cũng quen dần đi.
Trước đây cô làm nhân viên khai thác kinh doanh BĐS. Từ khi chuyển vào SG, dần dần cô cũng quen việc để khai thác thêm hướng mới, môi giới BĐS. Các hợp đồng được kí kết giữa người mua và người bán luôn mang lại cho cô một khoản tiền kha khá. Việc kiếm tiền dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc cô đi công tác ngoại tỉnh nhiều hơn. Gần như tháng nào cô cũng đi công tác. Và lần nào về cô cũng mua quà cho gia đình Hùng. Khi thì hoa quả, lúc thì cái áo, cái quần… Cô trở thành người thân trong gia đình Hùng.
Lần ấy, từ Cần Thơ về thì cô nhận được tin bố Hùng bị tại nạn, đang nằm trong bệnh viện. Cô hối hả đi đến bệnh viện, ngay từ ngoài cổng đã thấy chị Bình ngồi thất thần bên ngoài ghế đá. Linh lại gần, chị Bình nhận ra Linh thì bật khóc:
– Em ơi, chị chết mất. Anh ấy bị tai nạn nặng lắm, bác sĩ bảo nếu không tiến hành phẫu thuật ngay thì khó mà sống nổi. Ca mổ gần 200 triệu, mà nhà chị thì đào đâu ra số tiền đó bây giờ? Chị chết mất em ơi…
– Chị bình tĩnh nào, việc đâu còn có đó. Hiện giờ em có ít tiền trong tài khoản, để em ra chi nhánh ngân hàng rút, chị cứ vào đăng kí cho anh mổ đi!
– Làm thế sao được em, anh chị làm gì có tiền trả em!?
– Ơ hay, chứ em có bảo chị trả ngay cho em đâu, bao giờ anh chị có thì trả cho em. Em sống ở đây chứ có chạy đi đâu đâu mà chị lo.Cứ thế đi chị ạ. Để lâu không hay.
Bất ngờ chị Bình quỳ xuống cảm ơn Linh. Linh vội vàng ôm chị và kéo chị đứng dậy rồi làm bộ giận dỗi, nói:
– Chị đã coi em như em trong nhà, chị làm thế, em không thích đâu. Lúc em mới chuyển vào, chuyện gì chị cũng giúp em, giờ nhà chị có việc thì em giúp chị chứ có việc gì đâu. Chị vào đăng kí mổ cho anh ấy đi, để em đi rút tiền cho kịp.
Ca mổ thành công và sức khỏe anh Nam hồi phục nhanh hơn cả dự kiến. Tối hôm được xuất viện về nhà, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Anh Nam nói, giọng rưng rưng:
– Anh sống đến giờ này là nhờ em, cảm ơn em. Anh chị sẽ cố gắng tiết kiệm để kiếm tiền trả cho em. Giờ mời em chén rượu để cảm ơn em lần nữa!
Linh đỡ chén rượu trên tay anh Nam và uống một hơi.
Lâu rồi cô cũng không uống rượu. Ngày trước khi đang ở HN, gần như cuối tháng nào cô cũng cùng chồng và vài người bạn thân quay quần một buổi. Cô là đứa uống khá. Từ khi vào đây, cô cai hẳn rượu. Không bạn bè, không người quen, rượu uống một mình chẳng thể ngon.
Bữa tối xong, Linh giúp chị Bình dọn dẹp. Ngồi rửa bát cùng nhau, chợt chị Bình hỏi Linh:
– Em định sống thế mãi sao? Đổ vỡ rồi cũng có lúc cần làm lại chứ! Sao em không tìm một người hợp với mình rồi sống với nhau. Sống một mình buồn lắm.
Linh cười bảo:
– Em có mà ế dài hạn chị ạ!
– Ế là ế thế nào, người như em, giờ có phải là lúc nào cũng tìm ra đâu. Hay là để chị làm mối cho em nhé, chỉ sợ em chê thôi!
– Chê gì mà chê chị. Nhưng em thấy chưa đến lúc thôi.
Rồi Linh chợt khựng lại, hình ảnh của Thùy Chi trong tà áo dài tinh khôi khiến cô chao đảo. Hơi rượu khiến Linh thấy nóng. Cảm giác lâng lâng khó chịu.
– Chị ơi, em nói điều này, chị đừng sợ nhé!
– Gì vậy em?
– Em là người đồng tính. Em thích con gái.
Chị Bình giật mình, cái chén trong tay chợt trơn tuột rơi tõm vào chậu nước.
– Em nói thật hay đùa đấy? Sao lại có thể như thế được?
– Chị sợ à?
– Con nhỏ này, sợ gì, chỉ được cái vớ vẩn. Nhưng sao lại như thế được, em đã lấy chồng, đã có con, sao lại thích con gái được?
– Em cũng không biết chị ạ. Trước đây khi chưa có chồng, em cũng đã từng thích một cô bạn cùng khóa nhưng em đã cố ghìm chặt nó xuống. Rồi em lấy chồng hòng xóa bỏ tình cảm đó đi. Em sợ mọi người nhìn mình thành đứa dở hơi lắm!
– Thế bây giờ em còn liên lạc gì với người đó không?
– Em đã bao giờ liên lạc hay lại gần đâu. Nhưng chị nhớ cái bữa chị nhờ em đi họp phụ huynh thay chị không? Em đã gặp Thùy Chi, cô giáo chủ nhiệm của Hùng đó, dạo này em hay nghĩ đến cô ấy. Nhưng chắc cô giáo chẳng biết đến em đâu. Người ta là cô giáo cơ mà – giọng Linh cứ nghèn nghẹn.
– Ơ hay, cô giáo hay là bác sĩ thì cũng là con người. Em không thử sao biết được. Mà cô giáo hình như cũng chưa lấy chồng. Hay là…
– Hay là sao chị?
– Hay là cô giáo cũng như em?
Linh phì cười.
– K chắc đâu chị ơi.
– Thì không chắc nên mới phải thử chứ.
***
Chị đưa em đến trường đi, hôm nay em đến học kèm.
– Ok em, chờ chị thay quần áo nha!
Dọc đường, thấy quán hoa, cô dừng lại mua một bó hồng tươi còn gói trong giấy báo. Một thói quen khi còn ở HN. Hùng tò mò:
– Để tặng ai vậy chị?
– Ờ, chị thấy hoa đẹp, mua về cắm thôi
.
– Thế mà em tưởng chị tặng ai!
– Thằng nhóc này, chị có ai để tặng đâu?
– Cô Chi
– Ơ hay, chứ sao tự dưng “tôi” mua hoa “hối lộ” cô giáo của cậu làm gì?
– Hi hi, em tưởng vậy chứ!
Chiều thứ 7 trường học vắng hoe. Hùng đã đi vào lớp. Tự dưng nhìn vào góc sân trường, Linh nhớ Thùy Chi. Từ dạo gặp vì việc của Hùng đến giờ, 2 người không liên lạc gì với nhau. Dù rất muốn nhưng cái tính “chim sợ cành cong” khiến cô chần chừ. Có lẽ, nếu có duyên thì gặp thôi.
Linh rẽ vào quán cà phê gần trường học. Có lẽ nên để mình thư giãn một chút. Linh không có thói quen uống cà phê, nhưng Linh thích cái cách mà người Sài Gòn sắp xếp trong cửa hàng của họ. Đó là điểm khác biệt lớn lao mà những người từng ở miền Bắc như Linh thấy thích thú. Không quá ồn ào, xô bồ. Đặc biệt là cách phục vụ rất vừa ý.
Chợt cô để ý đến một dáng người con gái ngồi gần cửa sổ, và đang đọc sách. Khuôn mặt nhìn nghiêng rất đặc biệt, mấy sợi tóc lòa xòa ôm lấy bờ vai thon. Linh nhìn cô gái như thôi miên. Nhìn quen thế nhỉ!
Cảm giác có người nhìn mình, cô gái ngước lên, nhìn lại Linh và khi nhận ra cô, cô giái mỉm cười. Là Thùy Chi. Tiến thoái lưỡng nan, Linh đành đứng dậy bước sang chào cô giáo. Thằng nhóc Hùng này, có vẻ thánh đoán. Sao lại gặp cô giáo của nó ở đây nhỉ?
– Chào cô giáo, cô giáo có hẹn ở đây à?
– À không. Em hay ở đây vào chiều thứ 7. Chị đang đợi bạn à?
– Ừ, à mà không phải. Mình lại đang bị lẩn thẩn. Tôi đợi Hùng, hôm nay Hùng học thêm ở trường.
– Chị ngồi đi, ghế này luôn trống mà – Thùy Chi hóm hỉnh.
– Cô giáo đọc quyển gì vậy?
– Dạ, Em ở đâu của Marc Levy
– À, một tác giả người Pháp, đúng không nhỉ? Tác giả của Nếu em không phải giấc mơ và Kiếp sau?
– exactly! Chị cũng đọc tác giả này ạ?
– Không, tôi không thích giọng văn của tác giả này. Tôi thích Sheldon hơn.
– Ngày trước em cũng đọc của tác giả này, Nếu còn có ngày mai?
– Đúng rồi. Quyển nổi bật nhất đấy. Nhưng tôi thích quyển “Dưới ánh sao” hơn, nó có vẻ hợp với nghề nghiệp của tôi.
– Chị làm xây dựng ạ?
– Tôi làm BĐS.
Họ cứ thế, ngồi nói chuyện linh tinh, bâng quơ và dò xét lẫn nhau. Đôi khi phát ra tiếng cười thoải mái, giọng Bắc với đầy đủ âm sắc xen lẫn giọng Nam ngọt ngào và thiếu phụ âm, cứ như là một bản nhạc nhiều âm điệu vậy.
– Em có việc phải đi rồi, chị về sau nhé!
– Ừm, chắc là Hùng sắp tan rồi. Gặp lại cô giáo nhé.
– Dạ, chào chị!
– Cô giáo này?
– Dạ? Người miền Nam thật đáng yêu. Các cô gái khi nghe hỏi thường “dạ”, rồi chỉ có “dạ” chứ không như ngoài Bắc, là “dạ vâng”. Ở đây đã “vâng” thì khỏi “dạ” và ngược lại.
– Tôi chưa có số điện thoại của cô giáo!
Thùy Chi cười, lấy điện thoại nháy sang số của Linh. Linh quay sang bàn mình ngồi. Cốc cà phê tan đá, nước đá tan chảy không chịu hòa trộn với cà phê mà nó tạo ra vết loang lổ. Liếc sang bó hoa, chợt Linh nhớ ra lời Hùng lúc sáng. Cầm bó hoa chạy theo Thùy Chi, bó hoa cần có chủ.
Lớp Hùng tổ chức cắm trại mừng ngày 26/3. Hùng được giao việc trang trí cho trại của lớp.
Thùy Chi đến từ sớm. Từ xa cô thấy Linh đang dắt xe vào bãi gửi xe. Cô không ngờ Linh lại đưa Hùng đi. Tự dưng cô cũng háo hức. Từ xa cô đã cười tươi:
– Ủa, hai chị em đến à?
Hùng chạy lại thì thầm với cô giáo: chị em nhớ cô giáo hay sao ấy, sáng giờ thấy chị ấy có vẻ hồi hộp đó. Thùy Chi đỏ mặt.
– Hay là chị vào cùng bọn em, xem các em cắm trại thế nào!
– Đi đi chị, vào xem em chị trổ tài đi – Hùng nằn nì
Sáng nay cũng rảnh, L đi cất xe rồi theo hai người.

Trong lúc Thùy Chi hướng dẫn học sinh cách trang trí thì L ngồi ngó nghiêng sang các trại khác. Giọng nói của Thùy Chi thật ngọt ngào. Thỉnh thoảng L liếc mắt nhìn sang Thùy Chi, mấy sợi tóc không nằm trong nếp cứ lòa xòa trước trán, chỉ muốn đưa tay vuốt lại cho cô giáo.